Để được làm Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện thì phải đáp ứng tiêu chuẩn thế nào?
- Để được làm Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện thì cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đúng không?
- Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp có được thỉnh giảng ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác không?
- Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện có những chức danh nào?
Để được làm Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện thì cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đúng không?
Tiêu chuẩn của Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 26 Thông tư 05/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Tiêu chuẩn và trình độ chuẩn của giáo viên trong Trung tâm
1. Giáo viên trong Trung tâm phải có các tiêu chuẩn sau:
a) Có phẩm chất, tư tưởng, đạo đức tốt;
b) Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp theo vị trí việc làm và đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Có lý lịch rõ ràng; bảo đảm sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp.
2. Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
a) Giáo viên dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;
b) Giáo viên dạy trình độ sơ cấp quy định tại điểm a khoản này, nếu không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Theo đó, yêu cầu về trình độ của giáo viên dạy trình độ sơ cấp trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện như sau:
- Phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp;
- Trường hợp không có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đại học sư phạm kỹ thuật thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, trong trường hợp giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện đã có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề thì không cần phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp có được thỉnh giảng ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác không?
Tại Điều 28 Thông tư 05/2020/TT-BLĐTBXH quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện như sau:
Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên
Giáo viên trong Trung tâm thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 55 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau:
1. Chấp hành các quy chế, nội quy, quy định của Trung tâm.
2. Thực hiện quy định về chế độ làm việc đối với chức danh giáo viên do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
3. Được bố trí giảng dạy theo chuyên ngành, nghề được đào tạo; được lựa chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy nhằm phát huy năng lực cá nhân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp; được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
4. Được hưởng lương, phụ cấp và các chính sách khác theo quy định của pháp luật.
5. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy theo kế hoạch và điều kiện của Trung tâm; được tham gia vào việc quản lý và giám sát hoạt động của Trung tâm; được tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.
6. Được bảo vệ danh dự, nhân phẩm. Được tham gia bàn bạc, thảo luận, góp ý về các chủ trương, kế hoạch phát triển đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, nội dung, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý của Trung tâm; được nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật. Được dự các cuộc họp hội đồng do Trung tâm thành lập khi các hội đồng này giải quyết những vấn đề có liên quan đến người học của lớp mình được phân công, phụ trách.
7. Được hợp đồng thỉnh giảng, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục khác nhưng phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 55 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.
Căn cứ quy định trên thì giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện được tham gia thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác nhưng phải đảm bảo:
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 55 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;
- Phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác.
Giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện có những chức danh nào?
Căn cứ Điều 27 Thông tư 05/2020/TT-BLĐTBXH quy định như sau:
Giáo viên trong Trung tâm
1. Chức danh của giáo viên trong Trung tâm được quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Việc tuyển dụng, thực hiện chế độ làm việc, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chính sách khác đối với giáo viên của Trung tâm thực hiện theo quy định tiêu chuẩn chức danh giáo viên trong Trung tâm giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và quy định của pháp luật.
Tại khoản 3 Điều 53 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về các chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Nhà giáo trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp
...
3. Chức danh của nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp.
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì giáo viên trong Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp công lập cấp huyện có các chức danh như sau:
- Giáo viên;
- Giáo viên chính;
- Giáo viên cao cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.