Để được làm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
- Để được làm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
- Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm những gì?
- Ai có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường?
Để được làm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thì phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
Tiêu chuẩn của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT quy định về tiêu chuẩn của giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như sau:
Tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường
1. Tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Luật Giám định tư pháp; điểm a, điểm b khoản 4 và điểm a, điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Theo đó, tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 như sau:
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên;
- Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.
Và tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 thì người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm những gì?
Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT quy định hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020).
Theo đó, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường bao gồm:
- Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị quy định khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020);
Hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp.
- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm.
- Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp.
Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp.
- Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.
- Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
- Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý lĩnh vực giám định.
Ai có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT thì thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi 2020).
Theo đó, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp được quy định như sau:
- Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của địa phương.
Như vậy, thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như sau:
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của địa phương.
Tải về mẫu thẻ giám định viên tư pháp mới nhất 2023: Tại Đây
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.