Để được cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ cần điều kiện gì? Giấy phép này có thời hạn bao lâu?
Để được cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ cần những điều kiện gì?
Nguồn phóng xạ là chất phóng xạ được chế tạo để sử dụng, không bao gồm vật liệu hạt nhân theo khoản 5 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 giải thích.
Nhập khẩu nguồn phóng xạ là một trong những công việc bức xạ theo điểm h khoản 2 Điều 1 Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về Nhập khẩu nguồn phóng xạ như sau:
Nhập khẩu nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân
1. Bảo đảm an toàn, an ninh
a) Đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 của Nghị định này;
b) Có nơi riêng biệt để lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ cho đến khi đưa vào sử dụng hoặc bàn giao cho tổ chức, cá nhân khác;
c) Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị định này.
2. Trường hợp nhập khẩu nguồn phóng xạ kín, phải có cam kết trả lại nguồn cho nhà sản xuất khi không có nhu cầu sử dụng hoặc bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc xử lý, lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Như vậy, để được cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ cần bảo đảm an toàn, an ninh như sau:
- Đáp ứng các điều kiện sau quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 142/2020/NĐ-CP:
Sử dụng nguồn phóng xạ
...
2. Bảo đảm an toàn, an ninh
a) Bảo đảm mức liều chiếu xạ trong điều kiện làm việc bình thường như sau:
- Đối với nhân viên bức xạ
+ Liều hiệu dụng không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 20 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 50 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 500 mSv/năm theo loại hình công việc bức xạ cụ thể.
- Đối với công chúng
+ Liều hiệu dụng không vượt quá 1 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm kế tiếp nhau) và không vượt quá 5 mSv trong một năm bất kỳ trong giai đoạn này;
+ Liều tương đương đối với thủy tinh thể của mắt không vượt quá 15 mSv/năm;
+ Liều tương đương đối với da không vượt quá 50 mSv/năm đối với công chúng theo tình huống chiếu xạ cụ thể.
...
- Có nơi riêng biệt để lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ cho đến khi đưa vào sử dụng hoặc bàn giao cho tổ chức, cá nhân khác;
- Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định tại Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ cần những gì?
Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ - nhập khẩu nguồn phóng xạ gồm những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo Mẫu số 02 Phụ lục IV Ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Tải Đơn đề nghị cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ tại đây: Tải về.
- Bản sao của một trong các loại giấy tờ sau:
+ Quyết định thành lập tổ chức;
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, các loại giấy tờ khác có giá trị tương đương.
Trường hợp giấy tờ bị thất lạc phải có xác nhận cửa cơ quan ban hành hoặc cấp loại giấy tờ đó.
- Phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở theo mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục III Ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
- Báo cáo đánh giá an toàn chứng minh đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 142/2020/NĐ-CP. Báo cáo đánh giá an toàn thực hiện theo Mẫu số 10 Phụ lục V Ban hành kèm theo Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
- Bản sao tài liệu của nhà sản xuất cung cấp thông tin như được khai trong phiếu khai báo nguồn phóng xạ kín, nguồn phóng xạ hở.
- Bản sao hợp đồng mua bán hoặc văn bản thỏa thuận chuyển giao, tiếp nhận nguồn phóng xạ giữa tổ chức, cá nhân nhập khẩu phía Việt Nam với tổ chức, cá nhân xuất khẩu nước ngoài.
- Bản sao hợp đồng ủy thác nhập khẩu giữa tổ chức, cá nhân ủy thác và tổ chức, cá nhân nhận ủy thác trong trường hợp nhập khẩu ủy thác.
- Trường hợp nhập khẩu nguồn phóng xạ kín, phải có cam kết trả lại nguồn cho nhà sản xuất khi không có nhu cầu sử dụng hoặc bảo đảm nghĩa vụ tài chính cho việc xử lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ có thời hạn bao lâu?
Căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 74 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 quy định như sau:
Thời hạn của giấy phép tiến hành công việc bức xạ
1. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm dưới trung bình được cấp cho nhiều chuyến hàng có thời hạn mười hai tháng.
2. Giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm từ trung bình trở lên, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân được cấp cho từng chuyến hàng có thời hạn sáu tháng.
...
Đồng thời, theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định 142/2020/NĐ-CP cũng có quy định như sau:
Thời hạn của Giấy phép tiến hành công việc bức xạ và Chứng chỉ nhân viên bức xạ
1. Giấy phép tiến hành công việc bức xạ có thời hạn như sau:
a) 12 tháng đối với các công việc: Nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5 theo QCVN 6:2010/BKHCN (Cấp cho từng chuyến hàng đối với nguồn phóng xạ kín, nhiều chuyến hàng đối với nguồn phóng xạ hở).
b) 06 tháng đối với các công việc: Nhập khẩu, xuất khẩu nguồn phóng xạ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 theo QCVN 6:2010/BKHCN, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân (cấp cho từng chuyến hàng).
...
Theo các quy định trên, giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5 theo QCVN 6:2010/BKHCN (Cấp cho từng chuyến hàng đối với nguồn phóng xạ kín, nhiều chuyến hàng đối với nguồn phóng xạ hở) có thời hạn 12 tháng.
Giấy phép tiến hành công việc bức xạ nhập khẩu nguồn phóng xạ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 theo QCVN 6:2010/BKHCN (cấp cho từng chuyến hàng) có thời hạn 06 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.