Để được bổ nhiệm thanh tra viên cán bộ công chức cần phải có bao nhiêu năm công tác? Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cần những gì?
Cán bộ công chức có được xét chuyển ngạch để được bổ nhiệm thanh tra viên hay không?
Căn cứ khoản 1 Điều 12 Nghị định 97/2011/NĐ-CP quy định về việc bổ nhiệm ngạch thanh tra như sau:
Bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch
1. Công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra và các điều 6, 7 và 8 của Nghị định này thì được xét chuyển ngạch để bổ nhiệm vào các ngạnh thanh tra, cụ thể như sau:
a) Trường hợp là chuyên viên hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên;
b) Trường hợp là chuyên viên chính hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên chính;
c) Trường hợp là chuyên viên cao cấp hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cao cấp.
...
Theo đó, cán bộ công chức đang công tác trong cơ quan thanh tra nhà nước, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định pháp luật thì có thể được bổ nhiệm vào các ngạnh thanh tra bào gồm thanh tra viên, thanh tra viên chính và thanh tra viên cao cấp.
Để được bổ nhiệm thanh tra viên cán bộ công chức cần phải có bao nhiêu năm công tác?
Theo Điều 39 Luật Thanh tra 2022 (Có hiệu lực từ 01/07/2023) quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên như sau:
Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên
1. Là công chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu, trừ trường hợp Chính phủ quy định khác đối với Thanh tra viên của cơ quan thanh tra được thành lập theo quy định của luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật này.
2. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
3. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên trong lĩnh vực chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó.
4. Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và chứng chỉ khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
5. Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.
Theo quy định trên, để được bổ nhiệm thanh tra viên cán bộ công chức cần phải có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra không kể thời gian tập sự hoặc có ít nhất 05 năm công tác trở lên đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra.
Trước đây, vấn đề này được tư vấn như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật Thanh tra 2010 (Hết hiệu lực từ 01/07/2023) quy định về tiêu chuẩn chung đối với thanh tra viên như sau:
Tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên
1. Thanh tra viên phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;
b) Tốt nghiệp đại học, có kiến thức quản lý nhà nước và am hiểu pháp luật; đối với Thanh tra viên chuyên ngành còn phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó;
c) Có văn bằng hoặc chứng chỉ về nghiệp vụ thanh tra;
d) Có ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra (không kể thời gian tập sự), trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác từ 05 năm trở lên chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước.
...
Bên cạnh đó, tạo khoản 4 Điều 6 Nghị định 97/2011/NĐ-CP quy định về yêu cầu trình độ, thâm niên công tác đối với cán bộ công chức như sau:
Tiêu chuẩn ngạch thanh tra viên
...
4. Yêu cầu trình độ, thâm niên công tác:
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên môn thuộc ngành, lĩnh vực đang công tác;
b) Có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch thanh tra viên;
c) Có văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên;
d) Có văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B trở lên thuộc 01 trong 05 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức. Đối với công chức công tác tại các địa phương ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo có sử dụng tiếng dân tộc thiểu số phục vụ trực tiếp cho công tác thì được thay thế chứng chỉ ngoại ngữ bằng chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra nơi công chức đó công tác xác nhận;
đ) Sử dụng thành thạo tin học văn phòng hoặc có chứng chỉ tin học văn phòng;
e) Có thời gian ít nhất 02 năm làm công tác thanh tra (không kể thời gian tập sự, thử việc).
Trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan thanh tra nhà nước thì phải có thời gian ít nhất 05 năm giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch thanh tra viên.
Như vậy, đối với cán bộ công chức đang công tác tại cơ quan thanh tra muốn chuyển sang ngạch thanh tra đề trờ thành thanh tra viên thì phải có thời gian công tác ít nhất 05 năm trở lên giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch thanh tra viên.
Để được bổ nhiệm thanh tra viên cán bộ công chức cần phải có bao nhiêu năm công tác? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thanh tra viên cần chuẩn bị những giấy tờ nào?
Căn cứ khoản 3 và khoản 4 Điều 12 Nghị định 97/2011/NĐ-CP quy định về hồ sơ bổ nhiệm thanh tra viên như sau:
Bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch
...
3. Hồ sơ đề nghị Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra gồm:
a) Văn bản nhận xét quá trình công tác của công chức và đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp công chức;
b) Bản khai kết quả công tác thanh tra; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc được cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức xác nhận;
c) Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 (Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức) có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức.
4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, ngạch thanh tra viên chính gồm:
a) Hồ sơ cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;
c) Văn bản của Hội đồng xét chuyển ngạch đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, ngạch thanh tra viên chính theo thẩm quyền.
...
Từ quy định trên thì hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên cần
- Văn bản nhận xét quá trình công tác của công chức và đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp công chức;
- Bản khai kết quả công tác thanh tra; Bản sao các văn bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền chứng thực hoặc được cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức xác nhận;
- Sơ yếu lý lịch theo mẫu 2C-BNV/2008 có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng công chức;
- Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;
- Văn bản của Hội đồng xét chuyển ngạch đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên, ngạch thanh tra viên chính theo thẩm quyền.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.