Để cho người khác sử dụng Mã số đại lý bảo hiểm nhân thọ của mình được không? Có vi phạm pháp luật không?
Để cho người khác sử dụng mã số đại lý bảo hiểm nhân thọ của mình được không? Có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ theo Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định: "Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm."
Tại khoản 13 Điều 9 Bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 032/2018/QĐ-HHBHVN có quy định:
Điều 9: Các Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ra Quyết định hoặc đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa tên Đại lý vào Danh sách đại lý vi phạm khi Đại lý vi phạm bất kỳ các hành vi nào trong số các hành vi được liệt kê dưới đây:
...
13. Để cho người khác sử dụng Mã số đại lý của mình hoặc sử dụng Mã số đại lý của người khác để thực hiện Hoạt động đại lý bảo hiểm.
...
Có thể thấy hành vi để cho người khác sử dụng Mã số đại lý của mình để thực hiện Hoạt động đại lý bảo hiểm được xem là vi phạm Bộ quy tắc ứng xử dành cho đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Khi đó, các Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền ra Quyết định hoặc đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa tên Đại lý vào Danh sách đại lý vi phạm.
Do đó, Mã số đại lý bảo hiểm nhân thọ của mình không được để cho người khác sử dụng.
Ngoài ra, tham khảo thêm nội dung tại bài viết sau đây (https://mof.gov.vn/hoidapcstc/home/cthoidap/103167):
"2. Về việc chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm
Hiện nay, cơ sở dữ liệu ghi nhận thông tin về đại lý bảo hiểm nhân thọ (bao gồm mã số đại lý) là do các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng, cung cấp thông tin và được quản lý bởi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Các thông tin về tình trạng hoạt động/chấm dứt hoạt động của đại lý bảo hiểm được các doanh nghiệp bảo hiểm định kỳ cập nhật vào cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ công tác quản lý đại lý, trong đó có đảm bảo nguyên tắc tổ chức, cá nhân không được đồng thời làm đại lý cho doanh nghiệp bảo hiểm khác nếu không được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình đang làm đại lý.
Việc chấm dứt hoạt động đại lý bảo hiểm và cắt mã số đại lý đề nghị bà Phạm Thị Thanh Nhàn phối hợp với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam) để giải quyết theo thoả thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan."
Theo đó, nếu Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa anh và Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã chấm dứt thì Doanh nghiệp bảo hiểm phải cắt Mã số đại lý bảo hiểm của anh chứ không được để cá nhân khác sử dụng mã số đại lý đó và ký kết hợp đồng với các khách hàng.
Nếu vẫn sử dụng Mã số đại lý bảo hiểm đó, thông tin cá nhân của anh gắn với mã số đó thì anh vẫn có thể có rủi ro bị vướng vào tranh chấp nếu có phát sinh vấn đề trong việc giao kết và thực hiện Hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, về mặt pháp lý thì anh vẫn là đại lý ký kết hợp đồng với khách hàng và vẫn phải chịu trách nhiệm theo Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
Trường hợp này anh cần liên hệ Doanh nghiệp bảo hiểm cắt Mã số đại lý bảo hiểm của anh, không được để cho bên khác sử dụng. Đồng thời, đúng bản chất thì anh cần hoàn trả số tiền hoa hồng có được từ việc cá nhân khác sử dụng Mã số đại lý bảo hiểm, có thể thấy thù lao đó do cá nhân khác thực hiện công việc đại lý có được chứ không phải anh thực hiện, nên anh chiếm giữ số tiền hoa hồng đó là không phù hợp.
Để cho người khác sử dụng Mã số đại lý bảo hiểm nhân thọ của mình được không? Có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Cá nhân không được giao kết, thực hiện Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ trong các trường hợp nào?
Cá nhân không được giao kết, thực hiện Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ trong các trường hợp căn cứ theo khoản 3 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định:
Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm
...
3. Tổ chức, cá nhân không được giao kết, thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức là pháp nhân thương mại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức đang bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, đang bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc đang bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo hiểm;
b) Cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành hình phạt cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
Như vậy, cá nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành hình phạt cấm hành nghề liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm thì không được giao kết, thực hiện Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Hợp đồng đại lý bảo hiểm nhân thọ phải có các nội dung chủ yếu nào?
Căn cứ theo Điều 126 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định Hợp đồng đại lý bảo hiểm phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên, địa chỉ của đại lý bảo hiểm;
- Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô;
- Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, đại lý bảo hiểm;
- Nội dung và phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm;
- Hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác (nếu có);
- Thời hạn hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.