Để cháu thuộc hàng thừa kế thứ ba được nhận di sản thừa kế từ chú bác thì người cháu này cần làm những thủ tục gì?

Để cháu thuộc hàng thừa kế thứ ba được nhận di sản thừa kế từ chú bác thì người cháu này cần làm những thủ tục gì? Một người cháu ruột được chú để lại cho sổ tiết kiệm 100 triệu đồng để lo mai, an táng, giỗ chạp... cho chú khi chú mất. Nhưng chú chưa kịp viết di chúc gì cả thì đã mất. Khi chú mất thì người cháu đã tự bỏ tiền của mình lo mai táng, an táng, chôn cất, xây mồ yên mả đẹp và vẫn đang cúng giỗ chú. Trong 3 hàng thừa kế của người chú này chỉ còn một mình người cháu này thôi. Làm thế nào để ngân hàng cho người cháu rút tiền trong sổ tiết kiệm như nguyện vọng của người chú được? - Câu hỏi của chị Vy đến từ Bình Dương.

Để cháu thuộc hàng thừa kế thứ ba được nhận di sản thừa kế từ chú bác thì người cháu này cần làm những thủ tục gì?

Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo như thông tin anh cung cấp thì hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai không có ai cả, cháu ruột là hàng thừa kế thứ ba, do đó, di sản của chú ruột sẽ được cháu thừa kế theo pháp luật (không phải thừa kế theo di chúc).

Người cháu làm thủ tục khai nhận di sản, thủ tục này làm tại văn phòng công chứng.

Sau khi có văn bản khai nhận di sản (đã được niêm yết tại UBND cấp xã) thì ngân hàng có quyền cho người cháu rút tiền từ tài khoản của người chú.

Giả sử, hàng thừa kế thứ ba còn có những người khác thì những người thừa kế làm biên bản phân chia di sản, những người kia từ chối nhận di sản, để di sản lại cho duy nhất người cháu này thôi.

Người cháu này dùng biên bản phân chia di sản, đi khai nhận di sản như đã đề cập trên.

Di sản thừa kế

Di sản thừa kế (Hình từ Internet)

Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được quy định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 58 Luật Công chứng 2014 quy định như sau:

Công chứng văn bản khai nhận di sản
1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

Thủ tục niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định như sau:

Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản
1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản.
Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.
2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.
MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,139 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào