Đậu mùa khỉ có phải bệnh truyền nhiễm không? Giai đoạn ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là bao nhiêu ngày?
Đậu mùa khỉ có phải bệnh truyền nhiễm không?
Đậu mùa khỉ được quy định tại Mục 1 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 như sau:
Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Theo quy định trên, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra.
Bệnh có nguồn gốc từ Châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.
Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
Bệnh đậu mùa khỉ (Hình từ Internet)
Giai đoạn ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là bao nhiêu ngày?
Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ được quy định tại tiểu mục 2.1 Mục 2 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 như sau:
BỆNH CẢNH LÂM SÀNG
2.1. Các giai đoạn bệnh
Bệnh diễn biến qua các giai đoạn sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
- Giai đoạn khởi phát: từ 1 đến 5 ngày với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Vi rút có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.
- Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên da, thường gặp sau sốt từ 1 đến 3 ngày, với tính chất sau:
+ Vị trí: phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.
+ Tiến triển ban: tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) -> đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao) -> mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong) -> mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng) -> đóng vảy khô -> bong tróc và có thể để lại sẹo.
+ Kích thước tổn thương da: trung bình từ 0,5 - 1cm.
+ Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.
- Giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
...
Theo đó, giai đoạn ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là từ 6 đến 13 ngày, (dao động từ 5 đến 21 ngày). Người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm.
Việc điều trị bệnh đậu mùa khỉ được quy định thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ được điều trị theo quy định tại Mục 3 Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người ban hành kèm theo Quyết định 2099/QĐ-BYT năm 2022 như sau:
ĐIỀU TRỊ
3.1. Nguyên tắc điều trị
- Thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định;
- Điều trị triệu chứng là chủ yếu;
- Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý;
- Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,…) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.
- Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
3.2. Điều trị cụ thể
3.2.1. Các biện pháp điều trị chung
- Cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ/xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
- Cá thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.
3.2.2. Thể nhẹ
Điều trị triệu chứng như:
- Hạ sốt, giảm đau.
- Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng.
- Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.
- Cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức.
- Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định
3.2.3. Thể nặng
Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành
3.2.4. Thuốc điều trị đặc hiệu
- Chỉ định
+ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não…).
+ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao…).
+ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
+ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
+ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.
- Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (tham khảo phụ lục 2)
+ Tecovirimat
+ Cidofovir
+ Brincidofovir
+ Globulin miễn dịch tĩnh mạch
Như vậy, tùy thuộc vào bệnh trạng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ mà việc điều trị bệnh được thực hiện theo quy định tại Mục 3 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.