Đất xây dựng cơ sở ngoại giao là đất gì? Có phải chuyển sang thuê đất khi sử dụng đất xây dựng cơ sở ngoại giao kết hợp với mục đích thương mại?
Đất xây dựng cơ sở ngoại giao là đất gì?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định về phân loại đất như sau:
Phân loại đất
...
3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
...
d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
...
Và căn cứ theo điểm i khoản 4 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp như sau:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất phi nông nghiệp
...
4. Đất xây dựng công trình sự nghiệp, bao gồm:
...
h) Đất xây dựng cơ sở khí tượng thủy văn là đất xây dựng các công trình về khí tượng thủy văn, gồm trạm khí tượng thủy văn, trạm giám sát biến đổi khí hậu và công trình khí tượng thủy văn khác;
i) Đất xây dựng cơ sở ngoại giao là đất xây dựng trụ sở ngoại giao, gồm các cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán), cơ quan lãnh sự nước ngoài (lãnh sự quán), cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ có chức năng ngoại giao; cơ sở ngoại giao đoàn do Nhà nước quản lý;
k) Đất xây dựng công trình sự nghiệp khác là đất xây dựng các công trình sự nghiệp theo quy định của pháp luật không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản này.
...
Như vậy, đất xây dựng cơ sở ngoại giao là một trong những loại đất xây dựng công trình sự nghiệp thuộc nhóm đất phi nông nghiệp dùng để xây dựng trụ sở ngoại giao, gồm:
- Các cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán),
- Cơ quan lãnh sự nước ngoài (lãnh sự quán),
- Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức ngoại giao nước ngoài,
- Các tổ chức phi Chính phủ có chức năng ngoại giao;
- Cơ sở ngoại giao đoàn do Nhà nước quản lý.
Đất xây dựng cơ sở ngoại giao là đất gì? Có phải chuyển sang thuê đất khi sử dụng đất xây dựng cơ sở ngoại giao kết hợp với mục đích thương mại? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc phải chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm khi sử dụng đất xây dựng cơ sở ngoại giao kết hợp với mục đích thương mại?
Căn cứ theo Điều 218 Luật Đất đai 2024 quy định về việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích như sau:
Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.
...
3. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ thì phải chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích kết hợp đó.
...
Như vậy, chiếu theo quy định trên thì đất xây dựng cơ sở ngoại giao được phép sử dụng kết hợp với mục đích thương mại. Tuy nhiên, cần lưu ý trong trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng cơ sở ngoại giao kết hợp với thương mại, dịch vụ thì phải chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích kết hợp đó.
05 Nguyên tắc thống kê và kiểm kê đất đai theo Luật Đất đai mới nhất?
05 Nguyên tắc thống kê và kiểm kê đất đai được quy định tại Điều 56 Luật Đất đai 2024 gồm:
(1) Trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời, phản ánh đầy đủ hiện trạng và cơ cấu sử dụng đất đai.
(2) Công khai, minh bạch, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ.
(3) Thống nhất về nghiệp vụ, phương pháp thống kê, kiểm kê đất đai và chế độ báo cáo.
(4) Bảo đảm chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất đai thống nhất, đồng bộ từ trung ương đến địa phương; hệ thống số liệu thống kê, kiểm kê đất đai được tổng hợp từ cấp dưới lên cấp trên trực tiếp.
(5) Cung cấp kịp thời số liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và nhu cầu thông tin đất đai cho các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo và các nhu cầu khác của Nhà nước và xã hội.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.