Đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà sau khi bị phạt hành chính thì những con gà đá được xử lý ra sao?
- Mức xử lý vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà là bao nhiêu?
- Đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà sau khi bị phạt hành chính thì những con gà đá được xử lý ra sao?
- Thủ tục tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là những con gà đá được thực hiện ra sao?
Mức xử lý vi phạm hành chính tối đa áp dụng đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây:
a) Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép;
b) Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc;
c) Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép;
d) Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
...
Ngoài ra tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định về mức phạt tiền tối đa, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, có hai mức xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà bao gồm:
- Hành vi đánh bạc trái phép bằng hình thức cá cược đá gà với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật sẽ có mức xử phạt hành chính tối đa lên đến 2.000.000 đồng.
- Hành vi rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép thông qua hình thức cá cược đá gà với mức xử lý vi phạm hành chính tối đa là 10.000.000 đồng.
Lưu ý: các mức xử lý vi phạm hành chính này chỉ áp dụng đối với cá nhân, đối với tổ chức sẽ nhân hai cho cùng hành vi.
Đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà sau khi bị phạt hành chính thì những con gà đá được xử lý ra sao? (hình từ Internet)
Đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà sau khi bị phạt hành chính thì những con gà đá được xử lý ra sao?
Căn cứ khoản 6 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này;
c) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Theo đó, với trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật ngoài bị xử lý hành chính thì còn bị tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là con gà đá.
Dẫn chiếu Điều 106 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định như sau:
Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
1. Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật bao gồm:
a) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu;
b) Vật chứng vụ án, tài sản khác bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế, tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội và tài sản khác thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật Dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
3. Tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước bao gồm: tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Nhà nước Việt Nam.
4. Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động.
5. Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam theo hợp đồng dự án.
Đồng thời căn cứ vào Điều 7 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định như sau:
Hình thức khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công
1. Giao quyền sử dụng tài sản công.
2. Cấp quyền khai thác tài sản công.
3. Cho thuê tài sản công.
4. Chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công.
5. Sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết.
6. Sử dụng tài sản công để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước.
7. Bán, thanh lý tài sản công.
8. Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với những quy định này thì đánh bạc trái phép dưới hình thức cá cược đá gà sau khi bị phạt hành chính thì những con gà đá sẽ bị tịch thu, trở thành tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và được xử lý theo một trong những cách sau:
- Giao quyền sử dụng.
- Cấp quyền khai thác.
- Cho thuê.
- Chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng.
- Sử dụng vào mục đích kinh doanh, liên doanh, liên kết.
- Sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ của Nhà nước.
- Bán, thanh lý.
- Hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là những con gà đá được thực hiện ra sao?
Tại Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được bổ sung bởi khoản 42 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định thủ tục tịch thu tang vật vi phạm hành chính như sau:
- Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Xử lý vi phạm hành chính 2012, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản.
+ Trong biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại, số đăng ký (nếu có), tình trạng, chất lượng của vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và phải có chữ ký của người tiến hành tịch thu, người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt và người chứng kiến;
+ Trường hợp người bị xử phạt hoặc đại diện tổ chức bị xử phạt vắng mặt thì phải có hai người chứng kiến.
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay trước mặt người bị xử phạt, đại diện tổ chức bị xử phạt hoặc người chứng kiến. Việc niêm phong phải được ghi nhận vào biên bản.
+ Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ, người có thẩm quyền xử phạt thấy tình trạng tang vật, phương tiện có thay đổi so với thời điểm ra quyết định tạm giữ thì phải lập biên bản về những thay đổi này; biên bản phải có chữ ký của người lập biên bản, người có trách nhiệm tạm giữ và người chứng kiến.
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được quản lý và bảo quản theo quy định của Chính phủ.
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.