Đang thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân nhưng sức khỏe yếu có xin xuất ngũ được không? Chính sách đối với người xuất ngũ được quy định như thế nào?
- Đang thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân nhưng sức khỏe yếu có xin xuất ngũ không?
- Các chính sách đối với người thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân xuất ngũ được quy định như thế nào?
- Thời gian công tác để tính hưởng chế độ đối với người thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ được quy định như thế nào?
Đang thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân nhưng sức khỏe yếu có xin xuất ngũ không?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 70/2019/NĐ-CP quy định về xuất ngũ như sau:
Xuất ngũ
1. Hạ sĩ quan, chiến sĩ hết thời hạn phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này thì được xuất ngũ.
2. Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng y khoa Bộ Công an kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và c Khoản 1; các điểm a, b và c Khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
3. Cục trưởng và chức vụ tương đương, Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định xuất ngũ đối với từng hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền; tổ chức lễ tiễn hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giao quân.
4. Thời hạn xuất ngũ phải được thông báo trước 30 ngày cho hạ sĩ quan, chiến sĩ và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi giao quân hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập trước khi nhập ngũ.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan, tổ chức phải tổ chức tiếp nhận hạ sĩ quan, chiến sĩ xuất ngũ.
6. Hạ sĩ quan, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân về nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập trong thời hạn 15 ngày làm việc phải đến cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự để đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị.
Như vậy, nếu như bạn được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc Hội đồng y khoa Bộ Công an kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ thì bạn được xuất ngũ trước thời hạn. Bạn có thể liên hệ với đơn vị mình để hỏi về trình tự, thủ tục thực hiện.
Công an nhân dân (Hình từ Internet)
Các chính sách đối với người thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân xuất ngũ được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 41 Luật Công an nhân dân 2018 quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ, bệnh binh, hy sinh, từ trần như sau:
Chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ, bệnh binh, hy sinh, từ trần
1. Sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Lương hưu tính trên cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật này và theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Nếu nghỉ hưu trước hạn tuổi phục vụ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Luật này do thay đổi tổ chức, biên chế hoặc không còn nhu cầu bố trí, sử dụng thì ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội còn được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ;
c) Sử dụng trang phục Công an nhân dân, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu trong các ngày lễ, các cuộc hội họp và cuộc giao lưu truyền thống của Công an nhân dân;
d) Được chính quyền địa phương nơi cư trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật;
...
3. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân xuất ngũ được hưởng các quyền lợi sau đây:
a) Trợ cấp tạo việc làm và trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ;
b) Các quyền lợi quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này;
c) Trường hợp có đủ 15 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Theo đó, người thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân xuất ngũ sẽ được hưởng trợ cấp tạo việc làm và trợ cấp một lần theo quy định của Chính phủ; được sử dụng trang phục Công an nhân dân, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu trong các ngày lễ, các cuộc hội họp và cuộc giao lưu truyền thống của Công an nhân dân.
Và được chính quyền địa phương nơi cư trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trường hợp có đủ 15 năm phục vụ trong Công an nhân dân trở lên, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Công an nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Thời gian công tác để tính hưởng chế độ đối với người thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ được quy định như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 49/2019/NĐ-CP quy định về thời gian công tác để tính hưởng chế độ như sau:
Tiền lương và thời gian công tác để tính hưởng chế độ
...
2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ
a) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại khoản 4 Điều 3 và điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị đinh này là tổng thời gian công tác, học tập, làm việc có đóng bảo hiểm xã hội chưa được hưởng trợ cấp một lần (xuất ngũ, thôi việc);
b) Khi tính thời gian công tác quy định tại điểm a khoản này và khoản 1 Điều 8 Nghị định này nếu đứt quãng thì được cộng dồn, nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 03 tháng không tính, từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 01 năm.
Theo đó, thời gian công tác để tính hưởng trợ cấp một lần với người thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân xuất ngũ là tổng thời gian công tác, học tập, làm việc có đóng bảo hiểm xã hội chưa được hưởng trợ cấp một lần.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.