Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam có hiệu lực khi nào?

Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực khi nào? Việc xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam được tiến hành ra sao? Câu hỏi của anh Q (Cà Mau).

Thỏa ước La Hay là gì?

Thỏa ước La Hay được giải thích tại Điều 3 Nghị định 65/2023/NĐ-CPnhư sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
5. “Thỏa ước Madrid” là Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu năm 1891, được sửa đổi năm 1979.
6. “Nghị định thư Madrid” là Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid năm 1989, được sửa đổi năm 2006 và năm 2007.
7. “Thỏa ước La Hay” là Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện năm 1999.
...

Theo đó, “Thỏa ước La Hay” là Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện năm 1999.

Tải về Trọn bộ nội dung về Thoả ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp 1986

Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam có hiệu lực khi nào?

Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam có hiệu lực khi nào? (hình từ internet)

Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực khi nào?

Theo Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn.

Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Việc xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp nộp theo Thỏa ước La Hay (Đơn La Hay) có chỉ định Việt Nam được tiến hành ra sao?

Việc xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam được tiến hành theo quy định tại Điều 24 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, cụ thể:

Sau khi nhận được thông báo của Văn phòng quốc tế, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam theo quy định như sau:

(1) Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiến hành thẩm định nội dung đơn như với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 9 Điều này. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp kết luận về khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp trong đơn.

(2) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp trong đơn đáp ứng điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam và đơn không có thiếu sót, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại mục (1), cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế trong đơn, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo mẫu của Văn phòng quốc tế;

+ Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

(3) Trường hợp kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc đơn còn có thiếu sót (thiếu ảnh chụp/bản vẽ khiến bộ ảnh chụp/bản vẽ không bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký quốc tế không đáp ứng các tuyên bố của Việt Nam hoặc có thông tin cần phải xác minh v.v…), trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại mục (1), cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó nêu rõ nội dung và lý do từ chối và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế.

(4) Đối với trường hợp một số kiểu dáng công nghiệp đăng ký không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc đơn còn có thiếu sót đối với một số kiểu dáng công nghiệp (thiếu ảnh chụp/bản vẽ khiến bộ ảnh chụp/bản vẽ không bộc lộ đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp hoặc đăng ký quốc tế không đáp ứng các tuyên bố của Việt Nam hoặc có thông tin cần phải xác minh v.v…), trước khi kết thúc thời hạn 06 tháng nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Ra thông báo từ chối đối với kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng điều kiện bảo hộ hoặc còn thiếu sót theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó nêu rõ nội dung và lý do từ chối và gửi thông báo đó cho Văn phòng quốc tế;

+ Ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với các kiểu dáng công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ và không có thiếu sót, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế Tuyên bố chấp nhận bảo hộ cho kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ;

+ Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

(5) Trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra thông báo từ chối theo quy định tại mục (3) và (4), người nộp đơn có quyền sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối ý kiến từ chối của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Việc sửa chữa thiếu sót hoặc phản đối ý kiến từ chối nêu trong thông báo được thực hiện theo thủ tục như đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia, kể cả quy định về cách thức nộp đơn.

+ Trường hợp Đơn La Hay bị dự định từ chối do không đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất của đơn theo quy định tại Điều 101 của Luật Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn có thể khắc phục thiếu sót nêu trên bằng cách yêu cầu tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế nêu trên thành một hoặc nhiều đơn mới.

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện việc tách đơn và ra các quyết định và thông báo của đơn mới một cách độc lập với đơn ban đầu.

(6) Trường hợp người nộp đơn sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu và/hoặc có ý kiến phản đối xác đáng trong thời hạn 03 tháng quy định tại mục (5), cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:

+ Ra quyết định chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế đối với các kiểu dáng công nghiệp đáp ứng điều kiện bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp (Phần Kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế) và gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế sau từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ;

+ Công bố quyết định trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định.

(7) Trường hợp kết thúc thời hạn 03 tháng nêu tại mục (5) mà người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng đối với các kiểu dáng công nghiệp bị thông báo từ chối, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định từ chối bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đăng ký quốc tế đối với các kiểu dáng công nghiệp đó.

(8) Trường hợp kết thúc thời hạn 03 tháng kể từ ngày Văn phòng quốc tế thông báo về Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam mà người nộp đơn không nộp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên hoặc có nộp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên nhưng không được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp thuận thì đơn được coi là không có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Lưu ý: Thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với các quyết định nêu tại các mục (2), (3), (4), (6) và (7) được thực hiện như đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp theo thể thức quốc gia.

Trường hợp sau khi có kết quả giải quyết khiếu nại mà một số hoặc tất cả kiểu dáng công nghiệp bị từ chối trong các quyết định từ chối được chấp nhận bảo hộ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp gửi cho Văn phòng quốc tế tuyên bố chấp nhận bảo hộ sau từ chối theo mẫu của Văn phòng quốc tế, trong đó chỉ rõ kiểu dáng công nghiệp được chấp nhận bảo hộ.

- Trường hợp người thứ ba có ý kiến đối với Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam trước ngày ra quyết định chấp nhận bảo hộ, ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Phạm Thị Xuân Hương Lưu bài viết
998 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào