Đăng ký khai sinh ở nơi tạm trú có được không? Bà đi khai sinh cho cháu, có cần văn bản ủy quyền không? Nếu có thì văn bản này có cần đi công chứng, chứng thực hay không?

Tôi tạm trú ở TP.HCM mới sinh được một bé trai. Tôi muốn đăng ký khai sinh con ở TP.HCM được không? Tôi không đi đăng ký khai sinh cho con được nên nhờ mẹ chồng đi khai sinh cho cháu. Vậy có cần làm giấy ủy quyền cho mẹ chồng tôi để bà đi khai sinh cho cháu hay không? Nếu có thì văn bản này có cần đi công chứng, chứng thực hay không? Thủ tục thế nào?

Nội dung đăng ký khai sinh gồm những gì?

Tại Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh bao gồm:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Đăng ký khai sinh ở nơi tạm trú được không?

Căn cứ Điều 13 Luật Hộ tịch 2014 thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 11 Luật Cư trú 2020 cũng quy định: Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

Vì vậy, trường hợp của con chị có thể đăng ký khai sinh cho con ở UBND xã thường trú hoặc tạm trú đều được.

Bà nội có đăng ký khai sinh cho cháu được không?

Căn cứ Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

“1. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”

Bà đăng ký khai sinh cho cháu có cần ủy quyền không?

Theo Khoản 2 Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP cũng quy định chi tiết như sau:

“2. Trường hợp người đi đăng ký khai sinh cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Luật hộ tịch thì không phải có văn bản ủy quyền của cha, mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về các nội dung khai sinh.”

Do đó, bà đi khai sinh cho cháu vẫn được mà không cần văn bản ủy quyền nhưng phải thống nhất với cha mẹ bé về các nội dung khai sinh.

Tải mẫu Tờ khai đăng ký khai sinh mới nhất 2023: Tại Đây

Đăng ký khai sinh

Đăng ký khai sinh

Bà đăng ký khai sinh cho cháu thủ tục thế nào?

(1) Hồ sơ

*Giấy tờ phải nộp:

Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 khoản 2 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định các giấy tờ phải nộp như sau:

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

*Giấy tờ xuất trình:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hộ tịch 2014khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng quy định:

- Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.

- Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

- Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh nhân thân.

Tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP cũng quy định cụ thể như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch khi đăng ký khai sinh tại Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).
2. Người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
Trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì còn phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.”

(2)Thủ tục giải quyết

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 thì:

“2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.”

Tóm lại cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì phải có biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

- Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn (trong giai đoạn chuyển tiếp).

Trường hợp gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính thì phải gửi kèm theo bản sao có chứng thực các giấy tờ phải xuất trình nêu trên.

Cấp giấy khai sinh mất bao lâu?

Căn cứ khoản 3 Điều 5 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

“3. Đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.”

Do đó, đăng ký khai sinh sẽ được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.

Đăng ký khai sinh tốn bao nhiêu tiền?

Căn cứ khoản 1 Điều 11 Luật Hộ tịch 2014 quy định:

“1. Miễn lệ phí đăng ký hộ tịch trong những trường hợp sau:
a) Đăng ký hộ tịch cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật;
b) Đăng ký khai sinh, khai tử đúng hạn, giám hộ, kết hôn của công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.”

Đối với trường hợp của bạn mẹ chồng đi đăng ký khai sinh trong hạn sẽ được miễn phí lệ phí.

Như vậy đối với trường hợp của chị bận việc riêng không thể đi đăng ký khai sinh cho con thì bà nội vẫn đi làm được khai sinh cho cháu không cần văn bản ủy quyền nhưng phải thống nhất với chị và chồng về nội dung đăng ký khai sinh.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,314 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào