Đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay Ủy ban nhân dân cấp huyện? Có thể đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân nơi tạm trú hay không?
Đăng ký kết hôn được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã hay Ủy ban nhân dân cấp huyện?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 37 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn như sau:
"Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
..."
"Điều 37. Thẩm quyền đăng ký kết hôn
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
..."
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau và cả 2 người đều cư trú ở Việt Nam thì sẽ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ.
Khi thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam: đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; giữa công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; giữa công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; giữa công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.
Do đó, trường hợp 2 vợ chồng bạn đều là người Việt Nam, sinh sống ở Việt Nam thì sẽ thực hiện đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên bạn nhé.
Đồng thời, tại Điều 11 Luật Cư trú 2020 có quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
"Điều 11. Nơi cư trú của công dân
1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này."
Như vậy, công dân có thể đăng ký kết hôn tại nơi thường trú hay tạm trú đều được. Vì thế, bạn có thể thực hiện đăng ký kết hôn ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh mà không cần phải về quê của một trong hai người làm.
Tải về mẫu tờ khai đăng ký kết hôn mới nhất 2023: Tại Đây
Có thể đăng ký kết hôn tại ủy ban nhân dân nơi tạm trú hay không?
Người yêu cầu đăng ký kết hôn phải xuất trình những giấy tờ nào khi thực hiện đăng ký kết hôn?
Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn như sau:
"Điều 10. Giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn
Người yêu cầu đăng ký kết hôn xuất trình giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này, nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 38 của Luật Hộ tịch khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định sau:
1. Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà người yêu cầu đăng ký kết hôn không thường trú tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký kết hôn thì phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này.
Trường hợp đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì người yêu cầu đăng ký kết hôn đang cư trú ở trong nước phải nộp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp theo quy định tại các Điều 21, 22 và 23 của Nghị định này."
Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 2 và khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, theo đó khi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì bạn cần phải nộp và xuất trình các giấy tờ sau đây:
- Xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú;
- Nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
Lưu ý: Đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện thì thay vì phải nộp các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 123/2015/NĐ-CP người yêu cầu sẽ nộp những giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Hộ tịch 2014.
Thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định mới nhất hiện nay như thế nào?
Căn cứ theo Điều 18 Luật Hộ tịch 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã cụ thể như sau:
"Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn
1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc."
Trên đây là một số thông tin liên quan đến việc đăng ký kết hôn mà chúng tôi cung cấp gửi đến bạn. Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.