Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ mấy năm một lần? Người dân tộc thiểu số được phép giữ chức vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị hay không?
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?
Trước tiên cần nắm được khái niệm dân tộc thiểu số là gì. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 05/2011/NĐ-CP, dân tộc thiểu số được hiểu như sau:
"Điều 4. Giải thích từ ngữ
...
2. “Dân tộc thiểu số” là những dân tộc có số dân ít hơn so với dân tộc đa số trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Theo đó, quy định về đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tại Điều 6 Nghị định 05/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:
"Điều 6. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số
1. Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam được tổ chức định kỳ 10 năm một lần.
2. Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện được tổ chức định kỳ 05 năm một lần."
Căn cứ theo quy định trên, có thể chia ra làm 2 trường hợp thời gian tổ chức như sau:
- Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam: tổ chức định kỳ 10 năm một lần
- Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện: được tổ chức định kỳ 05 năm một lần
Nhà nước quy định như thế nào về chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số?
Chính sách cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định tại Điều 11 Nghị định 05/2011/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực và đủ tiêu chuẩn phù hợp quy định của pháp luật, được bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý các cấp.
Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số.
- Đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp.
- Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số.
- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nội dung Điều này.
Người dân tộc thiểu số được phép giữ chức vụ tại cơ quan tổ chức, đơn vị hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quy định như sau:
(1) Tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị:
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; điều kiện, yêu cầu cụ thể của địa phương để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương.
Ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số.
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức; cơ cấu vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, đảm bảo tỷ lệ hợp lý.
(2) Tại Ủy ban Dân tộc
- Ủy ban Dân tộc có tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tối thiểu là 40% tổng số biên chế.
- Đối với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, trong quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có ít nhất 01 chức danh cấp trưởng hoặc cấp phó là người dân tộc thiểu số.
Dựa vào quy định trên, có thể thấy Nhà nước hoàn toàn khuyến khích việc người dân tộc thiểu số đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số cần đảm bảo tỷ lệ hợp lý, tương ứng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số tại địa phương. Riêng đối với Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cần chiếm tối thiểu 40% biên chế. Đối với các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc, trong quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý phải có ít nhất 01 chức danh cấp trưởng hoặc cấp phó là người dân tộc thiểu số.
Theo đó, Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-BNV-UBDT quy định về tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số như sau:
- Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của địa phương, trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định một tỷ lệ biên chế hợp lý trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để tổ chức tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào công chức, viên chức. Tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển và trình tự, thủ tục tổ chức tuyển dụng thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Người dân tộc thiểu số được cử đi học Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng không qua thi vào công chức, viên chức và phân công công tác theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào số lượng người dân tộc thiểu số học theo chế độ cử tuyển sẽ tốt nghiệp ra trường để xác định số lượng biên chế dự phòng làm cơ sở tuyển dụng, bố trí vào công chức, viên chức đảm bảo tỷ lệ hợp lý.
Như vậy, pháp luật hiện nay có những quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số như: thời gian định kỳ tổ chức đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số, chính sách cán bộ dân tộc thiểu số và quy định về việc người dân tộc thiểu số nắm giữ chức vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền liên quan cần biết để áp dụng một cách chính xác nhất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.