Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là gì? Quy trình thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ thực hiện ra sao?
Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là gì?
Căn cứ theo Điều 2 Thông tư 17/2016/TT-BTTTT (Được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 08/2017/TT-BTTTT) có quy định:
Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là việc tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống thiết bị tại Việt Nam và kết nối với hạ tầng viễn thông di động để thực hiện quy trình đăng ký, hủy và cung cấp dịch vụ nội dung tới người sử dụng qua các phương thức đăng ký sau:
Đầu số tin nhắn ngắn SMS, wapsite, website, ứng dụng (application), USSD, Livescreen và các phương thức khác thông qua thiết bị di động nhằm thu phí người sử dụng thông qua tài khoản thuê bao di động.
Cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động là gì? (Hình từ Internet)
Quy trình thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động được thực hiện thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 17/2016/TT-BTTTT quy định về quy trình thủ tục đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động được thực hiện như sau:
Bước 1: Tổ chức, doanh nghiệp gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động trực tiếp hoặc qua đường bưu chính đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, bao gồm các tài liệu sau đây:
(1) Tờ khai đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 17/2016/TT-BTTTT;
(2) Bản sao có chứng thực (hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu) một trong các loại giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Giấy chứng nhận đầu tư
+ Quyết định thành lập (kèm theo bản sao Điều lệ hoạt động đối với các tổ chức hội, đoàn thể)
+ Giấy phép hoạt động báo chí có chức năng, nhiệm vụ, ngành nghề cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động (doanh nghiệp gửi kèm bản in đã đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp các thông tin về ngành nghề của doanh nghiệp được thông báo trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia).
Bước 2: Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động cho tổ chức, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có các quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo Điều 7 Thông tư 17/2016/TT-BTTTT (Được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 08/2017/TT-BTTTT) quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động có các quyền và nghĩa vụ sau:
(1) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 28 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
(2) Xây dựng, công khai thỏa thuận cung cấp, sử dụng dịch vụ nội dung thông tin cho người sử dụng trước khi cung cấp dịch vụ phù hợp theo quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP .
(3) Đối với các dịch vụ cung cấp theo định kỳ (ngày, tuần, tháng, quý, năm), tổ chức, doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi có xác nhận đồng ý của người sử dụng bằng tin nhắn ngắn SMS và thông báo bằng tin nhắn ngắn SMS gửi tới người sử dụng bao gồm các thông tin sau: “Bạn đã đăng ký thành công “Tên dịch vụ vừa đăng ký”, mà, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.
(4) Bảo đảm cho người sử dụng khả năng từ chối, hủy, tra cứu về các dịch vụ nội dung thông tin đã đăng ký bằng hình thức phù hợp mà không bị thu phí (nhắn tin tới số dịch vụ, gọi điện đến tổng đài hỗ trợ, truy cập vào trang thông tin điện tử cung cấp thông tin của doanh nghiệp, các hình thức khác).
(5) Cung cấp dịch vụ theo đúng các yêu cầu của người sử dụng đã đăng ký; không thực hiện việc thu phí đối với các dịch vụ nội dung thông tin mà người sử dụng không nhận được hoặc nhận được nội dung thông tin không đầy đủ, hoàn chỉnh theo đúng yêu cầu đã đăng ký hoặc nội dung thông tin không đúng như tổ chức, doanh nghiệp đã quảng cáo.
(6) Khi quảng cáo về dịch vụ nội dung thông tin phải bao gồm các thông tin sau: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, cách đăng ký, chu kỳ cước, giá cước, cách từ chối, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ.
Đối với thuê bao đã đăng ký sử dụng dịch vụ định kỳ, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải gửi tin nhắn ngắn SMS tới người sử dụng thông báo về việc tự động gia hạn các dịch vụ theo các quy định sau:
- Thông tin thông báo: Tên dịch vụ, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn khách hàng. Thông báo 07 ngày một lần kể từ ngày đăng ký thành công với các dịch vụ định kỳ ngày, tuần. Thông báo 30 ngày một lần kể từ ngày đăng ký thành công với các dịch vụ định kỳ tháng, năm;
- Thời gian gửi thông báo: Từ 07 giờ đến 22 giờ hàng ngày.
Trường hợp thuê bao đã nhắn tin ngắn SMS theo cú pháp để hủy dịch vụ thì tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải có tin nhắn thông báo về kết quả xử lý yêu cầu hủy này.
(7) Lưu trữ tối thiểu 180 (một trăm tám mươi) ngày các nội dung thông tin đã cung cấp; lưu trữ tối thiểu 01 (một) năm dữ liệu xử lý các yêu cầu đăng ký, yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ, chi tiết cước, thông tin khiếu nại của người sử dụng và kết quả xử lý khiếu nại kể từ ngày tiếp nhận, xử lý để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định.
(8) Ngăn chặn hoặc loại bỏ nội dung thông tin vi phạm các quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP trong vòng 03 (ba) giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
(9) Thông báo về việc sử dụng các mã, số cung cấp dịch vụ nội dung thông tin tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ ngày được cấp, hoàn trả, thu hồi hoặc thay đổi mã, số cung cấp dịch vụ.
(10) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung phải có tổng đài hỗ trợ, tư vấn cho người sử dụng dịch vụ.
(11) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 10 Thông tư 17/2016/TT-BTTTT.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.