Cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp thì bị xử phạt thế nào?

Tôi có thắc mắc liên quan đến vấn đề kinh doanh hàng miễn thuế. Cho tôi hỏi cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp thì bị xử phạt thế nào? Câu hỏi của chị Như Ngọc ở Đồng Nai.

Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế là gì?

Theo Điều 4 Nghị định 68/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 67/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế như sau:

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế
1. Vị trí đặt cửa hàng miễn thuế
a) Trong khu vực cách ly của cửa khẩu đường bộ quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng biển loại 1; trong khu vực cách ly và khu vực hạn chế của cảng hàng không dân dụng quốc tế;
b) Trong nội địa;
c) Trên tàu bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
d) Kho chứa hàng miễn thuế đặt tại vị trí cùng với cửa hàng miễn thuế hoặc nằm trong khu vực cách ly, khu vực hạn chế hoặc khu vực cửa khẩu hoặc thuộc địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu quy định tại Điều 8 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 và khoản 3 Điều 1 Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
2. Có phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý lưu giữ, kết xuất dữ liệu trực tuyến cho cơ quan hải quan về tên hàng, chủng loại, số lượng, tình trạng của hàng hóa, thời điểm hàng hóa đưa vào, đưa ra, lưu giữ trong cửa hàng miễn thuế, kho chứa hàng miễn thuế chi tiết theo tờ khai hải quan và đối tượng mua hàng để quản lý theo Hệ thống quản lý, giám sát hàng hóa tự động.
3. Có hệ thống camera đáp ứng kết nối trực tuyến với cơ quan hải quan quản lý. Hình ảnh quan sát được mọi vị trí của kho chứa hàng miễn thuế, cửa hàng miễn thuế, quầy nhận hàng trong khu cách ly vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ), dữ liệu về hình ảnh lưu giữ tối thiểu 06 tháng.

Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế thì phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại Điều 4 nêu trên.

Hàng miễn thuế

Hàng miễn thuế (Hình từ Internet)

Cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp thì bị xử phạt thế nào?

Theo điểm a khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều 43 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm về hoạt động của cửa hàng miễn thuế như sau:

Hành vi vi phạm về hoạt động của cửa hàng miễn thuế
...
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh loại hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp tại cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế;
b) Tiêu thụ trái phép ra thị trường nội địa hàng hóa được phép nhập khẩu để bán tại cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế.
...
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP về mức phạt tiền như sau:

Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
...
4. Mức phạt tiền:
a) Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 73 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Theo quy định trên, cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân, và từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức.

Đồng thời cửa hàng vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế từ 01 tháng đến 03 tháng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp không?

Theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền xử phạt như sau:

Phân định thẩm quyền xử phạt
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của địa phương mình theo thẩm quyền quy định tại Điều 81 Nghị định này.
...

Theo khoản 1 Điều 81 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:

Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
...

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP bổ sung cho Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về thẩm quyền phạt tiền như sau:

Quy định các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
...
5. Thẩm quyền phạt tiền của các chức danh được quy định tại Chương III Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại với mức phạt tiền cao nhất là 5.000.000 đồng đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đối với tổ chức.

Do cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế bán hàng hóa không có nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 50.000.000 đồng đối với cá nhân, và cao nhất là 100.000.000 đồng đối với tổ chức nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không có quyền xử phạt cửa hàng này.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

1,249 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào