Công ty thực phẩm có cần làm đăng ký kinh doanh cho từng địa điểm và làm giấy phép kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay không?
Công ty thực phẩm có cần làm đăng ký kinh doanh cho từng địa điểm không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
3. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Theo đó, theo thông tin chị cung cấp thì bên chị cung cấp hàng cho Vinmart bán.
Đồng thời Vinmart là đơn vị trực tiếp bán sản xuất và xuất hóa đơn cho khách hàng (tức Vinmart mới là đơn vị thực hiện hoạt động kinh doanh cụ thể tại địa điểm đó)
Cho nên trường hợp này chỉ cần Vinmart có đăng ký địa điểm kinh doanh là được, không cần phải đăng ký địa điểm kinh doanh nữa.
Công ty thực phẩm (Hình từ Internet)
Công ty thực phẩm có cần làm giấy phép kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay không?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định:
Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.
2. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật an toàn thực phẩm. Riêng đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phải tuân thủ các yêu cầu quy định tại Điều 28 Nghị định này.
Và Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định:
Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
1. Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
...
đ) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
...
k) Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
2. Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tương ứng.
Theo quy định trên thì giấy phép an toàn thực phẩm áp dụng đối với từng cơ sở kinh doanh do đó địa điểm kinh doanh tại Vinmart cũng cần có giấy phép này, trừ trường hợp tại Điều 12 nêu trên.
Như vậy công ty không trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh cụ thể, cũng không đăng ký địa điểm kinh doanh tại địa điểm đó mà Vinmart trực tiếp kinh doanh nên Vinmart sẽ xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bên công ty không cần phải xin giấy này.
Công ty thực phẩm xin cấp giấy phép kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ quan nào có thẩm quyền cấp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 43/2018/TT-BCT như sau:
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
1. Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đối với:
a) Cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm có công suất thiết kế:
- Rượu: Từ 03 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
- Bia: Từ 50 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
- Nước giải khát: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
- Sữa chế biến: Từ 20 triệu lít sản phẩm/năm trở lên;
- Dầu thực vật: Từ 50 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
- Bánh kẹo: Từ 20 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
- Bột và tinh bột: Từ 100 ngàn tấn sản phẩm/năm trở lên;
b) Chuỗi cơ sở kinh doanh thực phẩm (trừ chuỗi siêu thị mini và chuỗi cửa hàng tiện lợi có diện tích tương đương siêu thị mini theo quy định của pháp luật); Cơ sở bán buôn thực phẩm (bao gồm cả thực phẩm tổng hợp) trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
c) Cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh tại cùng một địa điểm có công suất thiết kế theo quy định tại điểm a khoản này.
d) Cơ sở kinh doanh thực phẩm quy định tại điểm b khoản này và có sản xuất thực phẩm với công suất thiết kế nhỏ hơn quy định tại điểm a khoản này.
đ) Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc quy định tại khoản 8 và khoản 10 Điều 36 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ có quy mô sản xuất sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại điểm a khoản này.
...
Theo đó, công ty thực phẩm xin cấp giấy phép kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm nếu thuộc các ngành nghề trên thì Bộ Công Thương sẽ là đơn vị cấp Giấy chứng nhận.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.