Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc hay không theo quy định?
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc không?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động quy định tại điểm a, e khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng, Điều 6, 7, 8, 9, 12 và Điều 14 Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này, trừ các hoạt động quy định sau:
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua bán trái phiếu doanh nghiệp;
- Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh;
- Ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện cấp tín dụng.
Dẫn chiếu theo Điều 14 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì công ty tài chính tiêu dùng được thực hiện các hoạt động khác quy định từ Điều 109 đến Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó tại khoản 2 Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì công ty tài chính tiêu dùng được tham gia thị trường tiền tệ gồm: Đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.
Theo các quy định trên thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định thì được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc.
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc hay không theo quy định? (Hình từ Internet)
Tín phiếu Kho bạc có phải là công cụ nợ của Chính phủ không?
Căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý nợ công 2017 thì công cụ nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu Kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc làm phát sinh nghĩa vụ nợ.
Căn cứ tại Điều 27 Luật Quản lý nợ công 2017 có quy định như sau:
Phát hành công cụ nợ tại thị trường vốn trong nước
1. Các công cụ nợ của Chính phủ bao gồm:
a) Trái phiếu Chính phủ;
b) Tín phiếu Kho bạc;
c) Công trái xây dựng Tổ quốc.
2. Căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm được phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành công cụ nợ của Chính phủ.
3. Việc phát hành công cụ nợ được thực hiện theo hình thức đấu thầu, bảo lãnh phát hành hoặc phát hành riêng lẻ.
4. Toàn bộ tiền vay của Chính phủ được hạch toán vào ngân sách trung ương. Chính phủ bố trí đủ nguồn trả nợ gốc, lãi và các khoản chi phí có liên quan đến việc huy động; trả nợ khi đến hạn.
5. Chính phủ quy định việc phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.
Như vậy, theo quy định trên thì tín phiếu Kho bạc là một trong các công cụ nợ của Chính phủ.
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sở hữu tín phiếu Kho bạc có quyền lợi như thế nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 95/2018/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu công cụ nợ của Chính phủ
1. Quyền lợi của chủ sở hữu công cụ nợ của Chính phủ
a) Được đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi công cụ nợ khi đến hạn thanh toán.
b) Được sử dụng công cụ nợ để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu, cầm cố hoặc thực hiện các giao dịch khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ nộp thuế của chủ sở hữu công cụ nợ đối với các khoản thu nhập phát sinh từ công cụ nợ của Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Như vậy, theo quy định trên thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sở hữu tín phiếu Kho bạc có quyền lợi như sau:
- Được đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi tín phiếu Kho bạc khi đến hạn thanh toán.
- Được sử dụng tín phiếu Kho bạc để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu, cầm cố hoặc thực hiện các giao dịch khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra thì nghĩa vụ nộp thuế của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sở hữu tín phiếu Kho bạc đối với các khoản thu nhập phát sinh từ tín phiếu Kho bạc của Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.