Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm không theo quy định hiện nay?
- Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm không theo quy định hiện nay?
- Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng muốn làm đại lý kinh doanh bảo hiểm thì phải đáp ứng các điều kiện nào?
- Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng làm đại lý kinh doanh bảo hiểm có các quyền nào?
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm không theo quy định hiện nay?
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm không, thì theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động quy định tại điểm a, e khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng, Điều 6, 7, 8, 9, 12 và Điều 14 Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này, trừ các hoạt động sau:
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua bán trái phiếu doanh nghiệp;
- Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh;
- Ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện cấp tín dụng.
Dẫn chiếu đến Điều 14 Nghị định 39/2014/NĐ-CP thì công ty tài chính được thực hiện các hoạt động khác quy định từ Điều 109 đến Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo đó tại khoản 6 Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, thì công ty tài chính được hoạt động kinh doanh đại lý kinh doanh bảo hiểm.
Như vậy, từ các quy định trên thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định thì được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm.
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được làm đại lý kinh doanh bảo hiểm không? (Hình từ Internet)
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng muốn làm đại lý kinh doanh bảo hiểm thì phải đáp ứng các điều kiện nào?
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng muốn làm đại lý kinh doanh bảo hiểm thì phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và khoản 1 Điều 62 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:
- Được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;
- Đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đối với các tổ chức hoạt động trong ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có) của cơ quan có thẩm quyền có nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm;
- Có nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm đáp ứng các điều kiện sau:
+ Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp theo quy định tại Điều 130 của Luật này.
- Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
- Người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính;
- Tại mỗi chi nhánh của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Tại mỗi phòng giao dịch của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 1 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý;
- Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý;
- Có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý. Quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát đối với chất lượng hoạt động đại lý của nhân viên trong tổ chức đại lý; việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý khi trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý;
- Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng.
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng làm đại lý kinh doanh bảo hiểm có các quyền nào?
Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng làm đại lý kinh doanh bảo hiểm thì sẽ có các quyền được quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:
- Lựa chọn và giao kết hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô theo quy định của pháp luật;
- Được cung cấp thông tin và điều kiện cần thiết để thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm;
- Hưởng hoa hồng đại lý bảo hiểm, thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và các quyền lợi khác từ hoạt động đại lý bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;
- Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô hoàn trả tiền ký quỹ hoặc tài sản thế chấp theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.