Công ty quản lý quỹ tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh được phép tiếp nhận các giao dịch mới của khách hàng hay không?
- Công ty quản lý quỹ tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh được phép tiếp nhận các giao dịch mới của khách hàng hay không?
- Công ty quản lý quỹ cần nộp tài liệu gì để hoàn tất quá trình chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh?
- Việc xử lý yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh tự nguyện thực hiện trong bao lâu?
Công ty quản lý quỹ tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh được phép tiếp nhận các giao dịch mới của khách hàng hay không?
Trong thời gian tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động, tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh có các trách nhiệm quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, bao gồm:
- Định kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, báo cáo, công bố thông tin về tình trạng của mình và các hoạt động có liên quan; không được ký mới các hợp đồng kinh doanh chứng khoán phái sinh; chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, trừ các trường hợp quy định tại điểm b, c, d khoản này;
- Đối với các hợp đồng kinh doanh chứng khoán phái sinh còn hiệu lực, công ty chứng khoán có trách nhiệm:
+ Chỉ tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng đối với giao dịch đối ứng; chỉ tiếp nhận tài sản ký quỹ của khách hàng đối với trường hợp bổ sung ký quỹ;
+ Chốt số dư, thực hiện tất toán tài khoản khách hàng; thanh lý vị thế và hoàn trả tài sản ký quỹ cho khách hàng; thỏa thuận, bàn giao quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, chuyển tài khoản, tài sản ký quỹ và vị thế mở của khách hàng sang tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh thay thế;
+ Thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, Sở giao dịch chứng khoán nhằm giảm vị thế của khách hàng;
- Thanh lý, đóng vị thế trên tài khoản tự doanh, tài khoản tạo lập thị trường (nếu có), bảo đảm ưu tiên thực hiện các giao dịch của khách hàng trước các giao dịch đóng vị thế của chính mình;
- Thanh toán đầy đủ các khoản thuế, giá dịch vụ, các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh (nếu có).
Theo quy định trên, trong thời gian đang tiến hành các thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, tổ chức là công ty quản lý quỹ được quyền tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng nhưng chỉ với giao dịch đối ứng, không được quyền tiếp nhận giao dịch mới trong những trường hợp khác.
Công ty quản lý quỹ tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh
Công ty quản lý quỹ cần nộp tài liệu gì để hoàn tất quá trình chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh?
Theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định 158/2020/NĐ-CP, bên cạnh thành phần hồ sơ cần nộp từ đầu để thực hiện thủ tục đề nghị chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất các thủ tục theo quy định tại khoản 5, 6 Điều này, công ty quản lý quỹ cần nộp hồ sơ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết quả xử lý, bao gồm các tài liệu sau:
- Danh sách khách hàng với đầy đủ thông tin nhận diện khách hàng, số tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, số tài khoản ký quỹ và danh mục tài sản ký quỹ, vị thế trên từng tài khoản; lý do không thể tất toán, xử lý các tài khoản còn tồn (nếu chưa xử lý được);
- Biên bản thanh lý, xác nhận của thành viên bù trừ thay thế về việc đã hoàn tất bàn giao toàn bộ tài khoản, tài sản ký quỹ của khách hàng cho thành viên thay thế (nếu có);
- Quyết định rút tư cách thành viên giao dịch, thành viên bù trừ;
- Văn bản xác nhận đã thanh toán đầy đủ các khoản thuế, giá dịch vụ, các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Việc xử lý yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh tự nguyện thực hiện trong bao lâu?
Tại khoản 8 Điều 7 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định:
"8. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả quy định tại khoản 7 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với trường hợp chấm dứt một hoặc một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh hoặc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh trong trường hợp chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do."
Căn cứ quy định trên, có thể thấy trường hợp công ty quản lý quỹ có đề nghị tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ra một trong những quyết định sau trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ báo cáo kết quả:
- Trường hợp chấm dứt một hoặc một số hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh: điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh
- Trường hợp chấm dứt toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh: thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh
- Trường hợp từ chối đề nghị tự nguyện chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh: có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Như vậy, trường hợp công ty quản lý quỹ đề nghị chấm dứt tự nguyện hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh, pháp luật quy định cụ thể về tài liệu, hồ sơ, trách nhiệm của công ty quản lý quỹ và thời gian thực hiện cũng như những trường hợp có thể xảy ra khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý đề nghị nói trên của công ty quản lý quỹ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.