Công ty ngăn cản người lao động thực hiện các hoạt động nhằm tham gia công đoàn cơ sở thì có vi phạm quy định pháp luật không?
Công ty ngăn cản người lao động thực hiện các hoạt động nhằm tham gia công đoàn cơ sở thì có vi phạm quy định pháp luật không?
Công ty ngăn cản người lao động thực hiện các hoạt động nhằm tham gia công đoàn cơ sở
Trước tiên, cần hiểu được công đoàn là tổ chức như thế nào. Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 như sau:
"Điều 3.
...
3. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp."
Có thể thấy, công đoàn cơ sở là tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong mối quan hệ với người sử dụng lao động.
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được quy định cụ thể tại Điều 177 Bộ luật lao động 2019 như sau:
"1. Không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
2. Công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.
3. Phải thỏa thuận bằng văn bản với ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động thì người lao động, ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
4. Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.
5. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật."
Theo đó, một trong những nghĩa vụ của người sử dụng lao động là không được phép cản trở hay gây khó khăn khi người lao động thực hiện các hoạt động hợp pháp nhằm gia nhập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tức trong đó có công đoàn cơ sở. Như vậy, hành vi của công ty bạn là trái với quy định của pháp luật.
Công đoàn có những quyền và trách nhiệm gì?
Căn cứ quy định tại Mục I Luật Công đoàn 2012, quyền và trách nhiệm của công đoàn bao gồm:
- Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
- Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
- Trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật
- Tham dự các phiên họp, cuộc họp, kỳ họp và hội nghị
- Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp
- Tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động
- Phát triển đoàn viên công đoàn và công đoàn cơ sở
- Quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở
Công đoàn có quyền đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động không?
Quyền đại diện cho người lao động của công đoàn được quy định cụ thể tại Điều 10 Luật Công đoàn 2012 như sau:
"Điều 10. Đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
1. Hướng dẫn, tư vấn cho người lao động về quyền, nghĩa vụ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với đơn vị sử dụng lao động.
2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể.
3. Tham gia với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện thang, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động.
4. Đối thoại với đơn vị sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.
5. Tổ chức hoạt động tư vấn pháp luật cho người lao động.
6. Tham gia với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động.
7. Kiến nghị với tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động hoặc của người lao động bị xâm phạm.
8. Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Toà án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động uỷ quyền.
9. Đại diện cho tập thể người lao động tham gia tố tụng trong vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động và người lao động.
10. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam"
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy việc đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể là một trong những quyền của tổ chức công đoàn.
Như vậy, công đoàn cơ sở được xem là một tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, được người sử dụng lao động đảm bảo thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Trong đó, người sử dụng lao động không được phép ngăn cản người lao động thực hiện các hoạt động hợp pháp để tham gia công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng quy định một số quyền hạn và trách nhiệm cụ thể của công đoàn. Đối với quyền đại diện, công đoàn được phép đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.