Công ty có được mượn tiền Giám đốc để hoạt động khi thiếu vốn không? Nếu được thì đây có phải giao dịch liên kết không?

Công ty anh có một khoản nợ lớn chưa thu hồi được nhưng bây giờ công ty cần tiền để thực hiện các hoạt động khác nên mượn tiền Giám đốc thì có phải giao dịch liên kết không em? Mong được hỗ trợ giải đáp sớm. Đây là câu hỏi của anh B.M đến từ Bình Dương.

Công ty có được mượn tiền Giám đốc để hoạt động khi thiếu vốn không?

Hiện nay, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn liên quan không có quy định cấm công ty vay tiền của Giám đốc chính công ty đó, và xét trên thực tế là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Song, cũng xét từ góc độ thực tế thì trong cùng một hợp đồng cho vay, không thể có một người vừa là bên cho vay vừa là bên đi vay được.

Do đó, trong trường hợp này, có hướng xử lý như sau:

- Nếu Giám đốc đứng tên bên cho vay, thì về phía công ty người đại diện phải là người khác Giám đốc (ví dụ như người đại diện theo pháp luật).

- Nếu Giám đốc ký tên hợp đồng thay mặt công ty, thì bên cho vay phải là người khác, ví dụ như cha, mẹ, vợ, con,...

công ty mượn tiền giám đốc

Công ty mượn tiền Giám đốc (Hình từ Internet)

Công ty mượn tiền Giám đốc thì có phải là giao dịch liên kết không?

Công ty mượn tiền Giám đốc của công ty có thể là một giao dịch liên kết, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Theo điểm l khoản 2 Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản này.

Đối chiếu với khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Do đó, trường hợp công ty mượn tiền Giám đốc điều hành, kiểm soát công ty với mức vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay tiền giữa công ty với Giám đốc là giao dịch liên kết.

Như vậy, việc mượn tiền Giám đốc được coi là giao dịch liên kết khi thỏa mãn đồng thời 02 điều kiện:

- Giám đốc là người thực hiện điều hành, kiểm soát doanh nghiệp;

- Vay Giám đốc ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu.

Nếu không đáp ứng các điều kiện này thì giao dịch vay tiền giữa công ty với Giám đốc không được xác định là giao dịch liên kết.

Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết gồm những gì?

Tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết gồm những khoản được quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP như sau:

- Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

- Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

- Quy định tại điểm a khoản này không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

- Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

20,195 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào