Công ty chứng khoán vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Công ty chứng khoán vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Hành vi chiếm dụng chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán thì bị phạt bao nhiêu tiền?
- Có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nào đối với hành vi chiếm dụng chứng khoán không?
Công ty chứng khoán vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ khoản 2 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, quy định về mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hoạt động của công ty chứng khoán như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam
...
2. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Không lưu giữ đầy đủ hồ sơ thông tin khách hàng; không lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ liên quan đến hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam; hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, chứng từ lưu giữ không phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng, của công ty chứng khoán hoặc chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam theo quy định pháp luật; chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam trực tiếp quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán và nhận mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư trong nước;
b) Vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng;
c) Vi phạm quy định về trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính; thực hiện hành vi bị cấm trong nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, tư vấn tài chính;
d) Vi phạm quy định về ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân;
đ) Không thiết lập, duy trì hệ thống kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro trong từng nghiệp vụ, hoạt động kinh doanh; không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ hoặc không đảm bảo cơ cấu nhân sự đáp ứng điều kiện; không giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan, giữa các khách hàng hoặc giữa công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam, người hành nghề chứng khoán và khách hàng; không xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dự phòng để bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục;
e) Đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định;
g) Không tổ chức bộ phận giám sát; không thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; không thực hiện báo cáo khi phát hiện giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường theo quy định.
...
Như vậy, theo quy định điểm b khoản 2 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP nêu trên, công ty chứng khoán vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng thì bị phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Công ty chứng khoán vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Hành vi chiếm dụng chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 6 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam
...
6. Phạt tiền từ 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Lạm dụng, chiếm dụng chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng hoặc tạm giữ chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán;
b) Cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng;
c) Sử dụng chứng khoán của khách hàng để cầm cố.
...
Như vậy, hành vi chiếm dụng chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán thì bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng theo điểm a khoản 6 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP nêu trên.
Có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nào đối với hành vi chiếm dụng chứng khoán không?
Căn cứ khoản 7 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm hoạt động của công ty chứng khoán như sau:
Vi phạm quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam
...
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người hành nghề chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 2, các điểm a, b, d, g khoản 3 và từ 06 tháng đến 12 tháng đối với người hành nghề chứng khoán thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.
...
Như vậy, theo điểm a khoản 7 Điều 26 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, công ty chứng khoán có hành vi chiếm dụng chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên công ty chứng khoán sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.