Công trình xây dựng quy mô nhỏ chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đúng không?
- Công trình xây dựng quy mô nhỏ chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đúng không?
- Nội dung báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng quy mô nhỏ gồm những gì?
- Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quy định thế nào?
Công trình xây dựng quy mô nhỏ chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đúng không?
Tham khảo: >>TẢI VỀ<< Mẫu báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng
Công trình xây dựng quy mô nhỏ có phải chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng hay không thì có thể căn cứ quy định tại Điều 52 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) như sau:
Lập dự án đầu tư xây dựng
1. Khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu của từng loại dự án. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được quy định như sau:
a) Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng;
b) Đối với dự án không thuộc quy định tại điểm a khoản này, việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư quyết định;
c) Trình tự lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật này, trừ dự án PPP.
3. Dự án đầu tư xây dựng chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau:
a) Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo;
b) Công trình xây dựng quy mô nhỏ và công trình khác do Chính phủ quy định.
4. Nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Như vậy, công trình xây dựng quy mô nhỏ chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
Công trình xây dựng quy mô nhỏ chỉ cần lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đúng không? (Hình từ Internet)
Nội dung báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng quy mô nhỏ gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật Xây dựng 2014, nội dung báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng đối với công trình xây dựng quy mô nhỏ bao gồm:
(1) Thiết kế bản vẽ thi công, thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.
(2) Các nội dung khác của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm thuyết minh về sự cần thiết đầu tư, mục tiêu xây dựng, địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất, quy mô, công suất, cấp công trình, giải pháp thi công xây dựng, an toàn xây dựng, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng và bảo vệ môi trường, bố trí kinh phí thực hiện, thời gian xây dựng, hiệu quả đầu tư xây dựng công trình.
Quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quy định thế nào?
Theo quy định tại Điều 68 Luật Xây dựng 2014, quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng được quy định cụ thể như sau:
(1) Chủ đầu tư có các quyền sau:
- Lập, quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về lập, quản lý dự án;
- Lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn để lập, quản lý dự án;
- Tổ chức lập, quản lý dự án; quyết định thành lập, giải thể Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án theo thẩm quyền;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau:
- Xác định yêu cầu, nội dung nhiệm vụ lập dự án; cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết trong trường hợp thuê tư vấn lập dự án; tổ chức nghiệm thu kết quả lập dự án và lưu trữ hồ sơ dự án đầu tư xây dựng;
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
- Chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính chính xác của các thông tin, tài liệu được cung cấp cho tư vấn khi lập dự án; trình dự án với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
- Lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra dự án theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án và của người quyết định đầu tư;
- Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo quy định tại Điều 66 Luật Xây dựng 2014;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự án với người quyết định đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Thu hồi vốn, trả nợ vốn vay đối với dự án có yêu cầu về thu hồi vốn, trả nợ vốn vay;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.