Công tác xếp hạng Phòng công chứng dựa trên những tiêu chuẩn nào? Được xếp thành bao nhiêu hạng?
Phòng công chứng có thuộc đối tượng cần xếp hạng ngành Tư pháp hay không?
Căn cứ Điều 1 Thông tư liên tịch 02/2010/TTLT-BTP-BNV quy định về đối tượng áp dụng như sau:
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư liên tịch này hướng dẫn về mục đích, nguyên tắc, thời hạn thực hiện xếp hạng; khung xếp hạng, căn cứ xếp hạng, thang điểm xếp hạng; phụ cấp chức vụ theo hạng, thẩm quyền, hồ sơ và thủ tục xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư liên tịch này được áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp) có tư cách pháp nhân, tài khoản và con dấu riêng, thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thuộc ngành Tư pháp được quy định tại khoản 1 Điều 17 Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập, bao gồm:
a) Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản trực thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
c) Phòng Công chứng trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
d) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, các Phòng công chức trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là đối tượng cần được xếp hạng ngành Tư pháp.
Công tác xếp hạng Phòng công chứng dựa trên những tiêu chuẩn nào? Được xếp thành bao nhiêu hạng? (Hình từ Internet)
Việc xếp hạng cho các Phòng công chứng nhằm mục đích gì?
Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 02/2010/TTLT-BTP-BNV quy định về mục đích xếp hạng như sau:
Mục đích, nguyên tắc xếp hạng
Căn cứ các quy định tại Quyết định số 181/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ và tính đặc thù của ngành Tư pháp, việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp còn được xây dựng trên cơ sở mục đích, nguyên tắc cụ thể như sau:
1. Mục đích
a) Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo sự thống nhất để Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) xếp hạng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp;
b) Thực hiện phân cấp quản lý giữa Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh trong việc quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của từng cấp;
c) Xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, trưởng, phó các tổ chức thuộc đơn vị sự nghiệp; xác định vị trí, quy mô tổ chức của từng đơn vị phù hợp với phân cấp quản lý.
2. Nguyên tắc
a) Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp phải phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động, khả năng đầu tư, phát triển đối với từng loại hình tổ chức đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp được xác định theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 và Phụ lục 4 kèm theo Thông tư liên tịch này;
b) Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
c) Bảo đảm tương quan về thứ bậc và mối quan hệ hợp lý giữa hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của đơn vị sự nghiệp với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo của các tổ chức tham mưu, thực thi pháp luật thuộc cơ quan hành chính nhà nước từng cấp.
Như vậy, việc xếp hạng cho các Phòng công chứng là nhằm mục đích:
(1) Kiện toàn tổ chức, hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo sự thống nhất để Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch UBND cấp tỉnh) xếp hạng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Tư pháp;
(2) Thực hiện phân cấp quản lý giữa Bộ Tư pháp và UBND cấp tỉnh trong việc quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của từng cấp;
(3) Xác định mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, trưởng, phó các tổ chức thuộc đơn vị sự nghiệp; xác định vị trí, quy mô tổ chức của từng đơn vị phù hợp với phân cấp quản lý.
Công tác xếp hạng Phòng công chứng dựa trên những tiêu chuẩn nào? Được xếp thành bao nhiêu hạng?
Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2010/TTLT-BTP-BNV quy định về khung xếp hạng như sau:
Khung xếp hạng
Các đơn vị sự nghiệp được xếp hạng như sau:
1. Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản được xếp thành hai hạng: hạng II và hạng III;
2. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước được xếp thành ba hạng: hạng II, hạng III và hạng IV;
3. Phòng Công chứng xếp thành ba hạng: hạng II, hạng III và hạng IV;
4. Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được xếp thành ba hạng: hạng II, hạng III và hạng IV.
Bên cạnh đó, tại Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2010/TTLT-BTP-BNV quy định về căn cứ xếp hạng như sau:
Căn cứ xếp hạng
1. Việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp được thực hiện trên cơ sở đánh giá thực trạng của đơn vị bằng cách tính điểm theo 4 tiêu chí sau:
a) Cơ cấu tổ chức, biên chế;
b) Trình độ chuyên môn của cán bộ, viên chức;
c) Kết quả thực hiện nhiệm vụ;
d) Hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật.
2. Hạng của đơn vị sự nghiệp được xác định trên cơ sở tổng số điểm đạt được theo 4 nhóm tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, khung xếp hạng Phòng công chứng được xếp thành 03 hạng gồm hạng II, hạng III và hạng IV. Việc xếp hạng phòng công chứ sẽ dựa trên các căn cứ sau:
(1) Cơ cấu tổ chức, biên chế;
(2) Trình độ chuyên môn của cán bộ, viên chức;
(3) Kết quả thực hiện nhiệm vụ;
(4) Hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật.
Hạng của Phòng công chứng được xác định trên cơ sở tổng số điểm đạt được theo 4 nhóm tiêu chí nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.