Công tác bảo trì công trình hàng không bao gồm những công việc gì? Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm gì trong công tác bảo trì công trình hàng không?
Công tác bảo trì công trình hàng không bao gồm những công việc gì?
Theo Điều 9 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT, công tác bảo trì công trình hàng không bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau:
- Kiểm tra công trình hàng không
+ Việc kiểm tra công trình hàng không có thể bằng trực quan, bằng các số liệu quan trắc thường xuyên (nếu có) hoặc bằng thiết bị kiểm tra chuyên dụng;
+ Kiểm tra công trình hàng không bao gồm kiểm tra theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất nhằm phát hiện các dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng của công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình làm cơ sở cho việc bảo dưỡng công trình.
- Bảo dưỡng công trình hàng không bao gồm các công việc được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo dưỡng công trình hàng không và quy trình bảo trì.
- Sửa chữa công trình hàng không
+ Sửa chữa định kỳ: bao gồm hoạt động sửa chữa, khắc phục hư hỏng của công trình hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình được phát hiện trong quá trình khai thác, sử dụng nhằm khôi phục, cải thiện tình trạng kỹ thuật của công trình và đảm bảo sự làm việc bình thường, an toàn của công trình, hạng mục công trình;
+ Sửa chữa đột xuất công trình hàng không: bao gồm hoạt động sửa chữa, khắc phục hư hỏng của công trình hoặc thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình do chịu tác động đột xuất của bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy, sự cố tàu bay và phương tiện hoạt động trên khu bay và những tác động đột xuất khác hoặc khi công trình, công trình bộ phận có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình.
- Kiểm định chất lượng công trình hàng không phục vụ công tác bảo trì được thực hiện theo khoản 5 Điều 33 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
- Quan trắc công trình hàng không theo quy định tại Điều 14 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT.
- Đánh giá an toàn công trình hàng không theo quy định tại Điều 16 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT.
- Một số công việc liên quan khác.
Bảo trì công trình hàng không (Hình từ Internet)
Cục Hàng không Việt Nam thực hiện báo cáo công tác bảo trì công trình hàng không như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT, cục Hàng không Việt Nam tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng không về Bộ Giao thông vận tải định kỳ 06 tháng và hàng năm hoặc báo cáo đột xuất khi Bộ Giao thông vận tải yêu cầu, chi tiết báo cáo như sau:
- Tên báo cáo: báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng không;
- Nội dung báo cáo: các nội dung liên quan đến tình hình thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng không theo mẫu tại Phụ lục 04 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT;
- Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
- Tần suất báo cáo: định kỳ 06 tháng, hàng năm;
- Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 10 tháng 7 đối với báo cáo định kỳ 06 tháng; trước ngày 20 tháng 12 hàng năm đối với báo cáo định kỳ hàng năm; báo cáo 06 tháng cuối năm được thay thế bằng báo cáo năm.
- Thời gian chốt số liệu báo cáo: từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 30 tháng 6 của kỳ báo cáo đối với báo cáo định kỳ 06 tháng; từ ngày 15 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo đối với báo cáo định kỳ hàng năm;
- Mẫu đề cương báo cáo: theo mẫu tại Phụ lục 04 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT. Tải về
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm gì trong công tác bảo trì công trình hàng không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 24/2021/TT-BGTVT, cục Hàng không Việt Nam có những trách nhiệm cụ thể như:
- Kiểm tra, hướng dẫn người được giao quản lý, sử dụng và khai thác công trình thực hiện công tác bảo trì công trình hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý bảo đảm theo kế hoạch bảo trì được giao, bảo đảm an toàn khai thác và hoạt động vận tải hàng không thông suốt; đảm bảo theo quy định của quy trình bảo trì, quy trình vận hành khai thác, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và kế hoạch bảo trì được giao;
- Kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý và bảo trì công trình hàng không;
- Thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không liên quan đến quản lý, bảo trì công trình hàng không theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.