Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay có được nhà nước ưu tiên phát triển hay không? Nhà nước có dành ngân sách cho các hoạt động công nghệ cao hay không?
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay có được nhà nước ưu tiên phát triển hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Công nghệ cao 2008 về công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển như sau:
(1) Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ sau đây:
+ Công nghệ thông tin;
+ Công nghệ sinh học;
+ Công nghệ vật liệu mới;
+ Công nghệ tự động hóa.
(2) Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao quy định tại khoản 1 Điều này.
(3) Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Có tác động mạnh và mang lại hiệu quả lớn đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;
+ Góp phần hiện đại hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có;
+ Là yếu tố quan trọng quyết định việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
(4) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và mục tiêu, lộ trình, giải pháp thực hiện.
Như vậy, thấy được rằng Công nghệ thông tin (trong đó có công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)) là một trong các lĩnh vực được Nhà nước tập trung đầu tư phát triển.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo có nằm trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển hiện nay hay không?
Có thể thấy rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) là xu thế phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất nước, có tính khả thi.
Đồng thời, tại Phụ lục I Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ban hành kèm theo Quyết định 38/2020/QĐ-TTg như sau:
1. Công nghệ trí tuệ nhân tạo.
2. Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT).
3. Công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn.
4. Công nghệ chuỗi khối (Blockchain).
5. Công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, điện toán sương mù.
6. Công nghệ lượng tử.
7. Công nghệ đảm bảo an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin tiên tiến.
8. Công nghệ bản sao số (Digital twin).
9. Công nghệ thực tại ảo (Virtual reality), thực tại tăng cường (Augmented reality) và thực tại trộn (Mixed reality).
10. Công nghệ xây dựng mô hình thông tin công trình (Building Information Model-BIM).
11. Công nghệ tin sinh học.
12. Công nghệ địa tin học (Geoinformatics) ứng dụng trong các hệ thống khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, nông nghiệp.
13. Công nghệ thiết kế, tích hợp và tối ưu hóa các mạng lưới và hệ thống viễn thông trong hạ tầng viễn thông quốc gia.
14. Công nghệ thiết kế và xây dựng hệ thống thông tin cho thuê.
15. Công nghệ tích hợp hệ thống công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin.
16. Công nghệ BPO, KPO, ITO điện tử; chứng thực chữ ký điện tử; tạo lập nội dung số tự động; kiểm thử phần mềm tự động.
17. Công nghệ hàng không, vũ trụ, viễn thám.
18. Công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ và siêu nhỏ (Micro and nano satellites).
19. Công nghệ mạng thế hệ sau (4G, 5G, 6G, NG-PON, SDN/NFV, SD- RAN, SD-WAN, LPWAN, IO-Link wireless, Network slicing, mạng truyền tải quang thế hệ mới).
20. Công nghệ vô tuyến nhận thức (Cognitive radio).
Như vậy, theo quy định thì công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay đang thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.
>>> Xem chi tiết: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển: Tại đây <<<
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay có được nhà nước ưu tiên phát triển hay không? Nhà nước có dành ngân sách cho các hoạt động công nghệ cao hay không? (Hình từ Internet)
Nhà nước có dành ngân sách cho các hoạt động công nghệ cao hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Công nghệ cao 2008 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao như sau:
- Huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
- Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.
- Tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác.
- Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Như vậy, Nhà nước dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.