Công dân có được quyền xác định lại giới tính thật của mình? Được phép xác định lại giới tính trong những trường hợp nào?

Chào bạn. Cho tôi hỏi công dân có được đi xác định lại giới tính hay không? Bé nhà tôi năm nay được hơn 05 tuổi. Mặc dù là bé trai, tuy nhiên tôi thấy bé có các dấu hiệu không giống con trai cho lắm. Vậy tôi có thể dẫn bé đi xác định lại giới tính hay không? Pháp luật có quy định gì về vấn đề này không? Tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ các bạn. Xin cảm ơn.

Xác định lại giới tính là gì? Trường hợp được phép xác nhận lại giới tính?

Căn cứ Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015, xác định lại giới tính được hiểu là quyền cơ bản của con người, được xác định lại giới tính trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1,2 Điều 2 Nghị định 88/2008/NĐ–CP, quy định về xác định lại giới tính có nêu rõ:

+ Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật;

+ Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính;

Như vậy, nếu xác minh việc con trai bạn có những biểu hiện bất thường thì có thể thực hiện việc xác định lại giới tính.

Xác định lại giới tính

Nguyên tắc xác định lại giới tính

Căn cứ Điều 3 Nghị định 88/2008/NĐ-CP, khi xác định giới tính cần phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau đây:

- Bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình.

- Việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực, khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính.

- Giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.

Các tiêu chuẩn y tế về từng trường hợp xác định lại giới tính

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 88/2008/NĐ-CP, tiêu chuẩn y tế xác định khuyết tật bẩm sinh về giới tính như sau:

- Nam lưỡng giới giả nữ:

+ Bộ phận sinh dục có dương vật nhỏ, có thể sờ thấy tinh hoàn hoặc không, siêu âm hoặc nội soi thấy tinh hoàn, không có tử cung và buồng trứng;

+ Nhiễm sắc thể giới tính là XY hoặc gen biệt hóa tinh hoàn dương tính hoặc kết hợp cả hai trường hợp trên.

- Nữ lưỡng giới giả nam:

+ Bộ phận sinh dục có âm vật phát triển như dương vật nhưng không sờ thấy tinh hoàn, siêu âm hoặc nội soi thấy có tử cung, buồng trứng, không thấy tinh hoàn;

+ Nhiễm sắc thể giới tính là XX.

- Lưỡng giới thật:

+ Bộ phận sinh dục không xác định được là nam hay nữ. Tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng;

+ Nhiễm sắc thể giới tính có thể là một trong các dạng XX/XY; XXX/XY; XX/XXXY hoặc các dạng nhiễm sắc thể khác được xác định là lưỡng giới thật.

Căn cứ Điều 6 Nghị định 88/2008/NĐ-CP, tiêu chuẩn y tế xác định giới tính chưa được định hình chính xác như sau:

Nhiễm sắc thể giới tính có thể giống như trường hợp nữ lưỡng giới giả nam hoặc nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật nhưng bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác là nam hay nữ.

Như vậy, nếu xác minh việc con trai bạn có những biểu hiện bất thường nêu trên, bạn có thể đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét rõ vấn đề và thực hiện việc xác định lại giới tính.

Quy định về đăng ký thay đổi hộ tịch trong trường hợp xác định lại giới tính

Khoản 2 Điều 3 Luật Hộ tịch 2014 có nêu rõ:

“2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính;
d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
e) Công nhận giám hộ;
g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 cũng có nêu:

“Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Như vậy, trong trường hợp xác định lại giới tính có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải ghi nhận vào Sổ hộ tịch việc thay đổi này.

Tóm lại, việc xác định lại giới tính là quyền của con người. Tuy nhiên, cần phải tuân theo quy trình và thủ tục của pháp luật, nhằm đảm bảo tính đúng đắn và có sự xác thực của cơ quan nhà nước.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

3,451 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào