Công chứng viên khi công chứng hợp đồng mua bán Quyền sử dụng đất có sổ đỏ giả thì phải chịu những trách nhiệm gì theo quy định của pháp luật?
Công chứng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 thì Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Công chứng hợp đồng có sổ đỏ giả thì công chứng viên chịu trách nhiệm gì?
Công chứng viên là gì?
Căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Luật Công chứng 2014 thì công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng 2014, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Điều 8 Luật Công chứng 2014 quy định về tiêu chuẩn công chứng viên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:
- Có bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;
- Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.
Sổ đỏ là gì?
Sổ đỏ được sử dụng một cách phổ biến để nói đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo khái niệm tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất.
Trách nhiệm bồi thường của công chứng viên khi công chứng hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất có sổ đỏ giả là gì?
Căn cứ tại Điều 38 Luật Công chứng 2014 thì việc bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng được điều chỉnh như sau:
- Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
- Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Công chứng viên có phải chịu trách nhiệm hình sự khi công chứng hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất có sổ đỏ giả?
Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 128 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao mà:
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
- Bên cạnh đó, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, khi công chứng viên công chứng hợp đồng mua bán nhà đất có sổ đỏ bị làm giả thì tổ chức hành nghề công chứng nơi anh chị thực hiện việc công chứng hợp đồng có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Tuy nhiên nếu thiệt hại anh chị phải chịu từ 100.000.000 đồng trở lên thì công chứng viên thực hiện nhiệm vụ công chứng đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã công chứng hợp đồng mua bán nhà đất có sổ đỏ bị làm giả.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.