Công chức là đảng viên có được phép đứng tên làm đại lý của công ty xổ số không? Nếu được thì cần đáp ứng những điều kiện gì?
Công chức là đảng viên có được phép đứng tên làm đại lý của công ty xổ số không?
Căn cứ theo Điều 3 Quy định 15/QĐ-TW năm 2006 quy định như sau:
"Điều 3: Đảng viên đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam; cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước (trừ những người được cử làm đại diện theo uỷ quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác) được làm và không được làm những việc sau đây:
1- Không được thành lập, tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp, bệnh viện tư, trường học tư, tổ chức nghiên cứu khoa học tư.
2- Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
3- Không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết.
4- Không được mượn danh nghĩa người khác để sản xuất, kinh doanh; không được để vợ, chồng, con lợi dụng chức vụ, quyền hạn và uy tín của mình để làm kinh tế tư nhân.
5- Được góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, mua cổ phần của công ty cổ phần, mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này."
Như vậy, pháp luật chỉ hạn chế không được phép thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp. Do vậy, việc đứng tên làm đại lý xổ số vẫn được.
Đảng viên (Hình từ Internet)
Điều kiện để công chức là đảng viên được mở đại lý xổ số là gì?
Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư 75/2013/TT-BTC (hướng dẫn Điều 12 Nghị định 30/2007/NĐ-CP) quy định như sau:
"Điều 16. Đại lý xổ số
1. Điều kiện làm đại lý xổ số:
a) Đối với cá nhân:
- Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, thường trú tại Việt Nam;
- Không phải là người đang có tiền án, tiền sự; không phải là người bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Không phải là người lao động, viên chức quản lý làm việc tại công ty xổ số kiến thiết đó hoặc công ty xổ số kiến thiết hoạt động trong cùng địa bàn khu vực;
- Không phải là vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, chị, em nuôi của Chủ tịch, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, Kiểm soát viên và cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban nghiệp vụ của công ty xổ số kiến thiết đó hoặc công ty xổ số kiến thiết hoạt động trong cùng địa bàn khu vực;
- Đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm thanh toán theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với công ty xổ số kiến thiết;
- Có văn bản cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định của công ty xổ số kiến thiết khi trở thành đại lý xổ số.
[...] 2. Căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, công ty xổ số kiến thiết thực hiện lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện để làm đại lý xổ số. Việc lựa chọn đại lý xổ số phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và khách quan.
Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng đề nghị làm đại lý xổ số vượt quá nhu cầu của công ty xổ số kiến thiết, công ty xổ số kiến thiết tổ chức đấu thầu để lựa chọn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có mạng lưới đáp ứng được yêu cầu phân phối vé và có mức chi phí hoa hồng đại lý thấp để làm đại lý xổ số.
3. Đại lý xổ số có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật."
Như vậy để công chức là đảng viên được mở đại lý xổ số thì bạn phải đáp ứng những điều kiện đối với cá nhân làm đại lý xổ số như quy định trên.
Trách nhiệm của cấp ủy và tổ chức đảng các cấp nơi đảng viên làm kinh tế tư nhân được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 4 Quy định 15/QĐ-TW năm 2006 quy định như sau:
"Điều 4: Trách nhiệm của cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp
1- Cấp uỷ và tổ chức đảng cơ sở nơi đảng viên làm kinh tế tư nhân có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên và chấp hành nghiêm chỉnh quy định này.
2- Cấp uỷ cấp trên trực tiếp của cơ sở có trách nhiệm theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân:
- Những doanh nghiệp chưa có đủ đảng viên để thành lập chi bộ thì bố trí đảng viên trong doanh nghiệp đó sinh hoạt trong một tổ chức đảng phù hợp; chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên để khi có đủ điều kiện thì thành lập tổ chức đảng. Những doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện lập chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở thì đặt trực thuộc cấp uỷ cấp trên theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
- Phân công cấp uỷ viên trực tiếp chỉ đạo hoạt động của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân, quan tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Đảng.
- Định kỳ hằng năm hoặc khi cần, đại diện cấp uỷ, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức gặp mặt đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn để nghe phản ánh tình hình và những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp; kịp thời chỉ đạo giải quyết những vướng mắc của cơ sở.
- Định kỳ hằng năm, cấp uỷ báo cáo tình hình hoạt động của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân với cấp uỷ cấp trên trực tiếp."
Đặt câu hỏi
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.