Công chức được làm chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn trong trường hợp nào?
- Công chức được làm chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn trong trường hợp nào?
- Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn phải do chủ sở hữu của công ty bổ nhiệm đúng không?
- Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH một thành viên công đoàn có quyền hạn gì?
Công chức được làm chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn trong trường hợp nào?
Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Quy chế tổ chức, quản lý tài chính Công ty TNHH MTV công đoàn (gọi tắt là Quy chế) ban hành kèm theo Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định như sau:
Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty TNHH MTV công đoàn
...
2. Quy định về kiêm nhiệm đối với chức danh Chủ tịch Công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên.
2.1. Người được bổ nhiệm giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty
a) Không là cán bộ, công chức, viên chức;
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức danh quản lý thì phải có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác (đối với cán bộ, công chức) hoặc phải chấm dứt hợp đồng làm việc (đối với viên chức).
b) Không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc tại tập đoàn, tổng công ty, công ty mình và các doanh nghiệp khác.
c) Không được kiêm nhiệm các chức danh quản lý, điều hành ở tổng công ty, công ty thành viên.
Theo đó, thông thường thì người được bổ nhiệm giữ chức danh chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn sẽ không phải là cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, trong trường hợp công chức có quyết định thuyên chuyển, điều động công tác giữ chức danh quản lý, cụ thể ở đây là chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn thì công chức vẫn có thể được giữ chức danh này.
Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn phải do chủ sở hữu của công ty bổ nhiệm đúng không?
Tại Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định về Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn như sau:
Hội đồng thành viên
1. Thành viên Hội đồng thành viên do Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) bổ nhiệm, miễn nhiệm gồm từ 03 đến 07 thành viên với nhiệm kỳ không quá 05 năm. Hội đồng thành viên nhân danh Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty; nhân danh công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ quyền và nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu công ty về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao theo quy định của Quy chế này, quy định của pháp luật và Điều lệ của công ty.
2. Quyền, nghĩa vụ và quan hệ làm việc của Hội đồng thành viên đối với Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) công ty được thực hiện theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.
3. Chủ tịch Hội đồng thành viên do Chủ sở hữu (đại diện Chủ sở hữu) bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc quá bán, theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn có thể được bầu hoặc bổ nhiệm theo các cách như sau:
- Được chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên công đoàn (đại diện chủ sở hữu) bổ nhiệm;
- Do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc quá bán, theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, chức danh chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn không nhất thiết phải do chủ sở hữu của công ty bổ nhiệm mà có thể được các thành viên Hội đồng thành viên của công ty bầu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH một thành viên công đoàn có quyền hạn gì?
Theo quy định tại Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 thì Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH một thành viên công đoàn có quyền, nghĩa vụ như sau:
- Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên
- Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên
- Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên
- Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng thành viên
- Thay mặt Hội đồng thành viên ký các nghị quyết của Hội đồng thành viên
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 1913/QĐ-TLĐ năm 2016 và Điều lệ công ty.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.