Công chức được bổ nhiệm kế toán viên trước ngày 01/01/2014 có bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán để thi nâng ngạch kế toán viên chính không?
Công chức được bổ nhiệm kế toán viên trước ngày 01/01/2014 có bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán để thi nâng ngạch kế toán viên chính không?
Việc nâng ngạch đối với kế toán viên được bổ nhiệm trước ngày 01/01/2014 được quy định tại Điều 25 Thông tư 29/2022/TT-BTC như sau:
Điều khoản chuyển tiếp
1. Trường hợp công chức không có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán nhưng đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên, kế toán viên chính trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 thì vẫn tiếp tục được làm kế toán theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán và tiếp tục giữ ngạch đã được bổ nhiệm; trường hợp thi nâng ngạch cao hơn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Thông tư này.
....
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 6 Thông tư 29/2022/TT-BTC có quy định như sau:
Kế toán viên chính (mã số 06.030)
...
3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nắm vững quản lý hành chính, cải cách hành chính và phương hướng chủ trương, chính sách của ngành, của đơn vị về lĩnh vực kế toán; công tác kế toán của đơn vị và các quy định của pháp luật về kế toán;
b) Hiểu rõ và tuân thủ Luật Kế toán, các chuẩn mực kế toán, các quy định của pháp luật khác về kế toán, nguyên lý kế toán, các chế độ tài chính, thống kê và thông tin kinh tế có liên quan;
c) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng hoàn thiện thể chế; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện trong lĩnh vực kế toán; các chế độ kế toán áp dụng trong ngành, lĩnh vực kế toán nhà nước;
d) Nắm vững hệ thống kế toán ngành, lĩnh vực khác; quy trình tổ chức công tác kế toán; có khả năng quản lý và tổ chức điều hành tốt công tác kế toán ở đơn vị, ngành, lĩnh vực; nắm được những vấn đề cơ bản về khoa học quản lý, am hiểu thực tiễn sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội, hoạt động quản lý đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán;
đ) Tổ chức triển khai các quy trình nghiệp vụ, quy trình luân chuyển chứng từ, phương pháp quản lý và điều hành đối với nhiệm vụ kế toán trong đơn vị, ngành, lĩnh vực;
e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.
4. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Theo quy định thi công chức đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu tham gia dự thi nâng ngạch cao hơn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Thông tư 29/2022/TT-BTC.
Như vậy, nếu trước đó công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên mà không có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán thì vẫn tiếp tục làm việc bình thường.
Tuy nhiên nếu muốn thi nâng ngạch kế toán viên chính thì cần phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán hoặc bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kiểm toán để đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài ra, công chức cũng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2022/TT-BTC và tiêu chuẩn chung về phẩm chất tại Điều 4 Thông tư 29/2022/TT-BTC.
Công chức được bổ nhiệm kế toán viên trước ngày 01/01/2014 có bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp chuyên ngành kế toán để thi nâng ngạch kế toán viên chính không? (Hình từ Internet)
Công chức giữ ngạch kế toán viên chính sẽ có những nhiệm vụ gì cần thực hiện?
Nhiệm vụ của kế toán viên chính được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 29/2022/TT-BTC như sau:
Kế toán viên chính (mã số 06.030)
...
2. Nhiệm vụ
a) Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán; xét duyệt hệ thống kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị, ngành hoặc lĩnh vực kế toán nhà nước;
b) Tổ chức tổng hợp, đánh giá, phân tích tài chính, rút kinh nghiệm và đề xuất phương án điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung về quy trình nghiệp vụ, chế độ kế toán áp dụng, tổng hợp báo cáo lên cấp trên;
c) Tổ chức, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, kiểm tra công tác kế toán và đề xuất các biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh, nhằm đảm bảo việc quản lý thống nhất công tác kế toán của đơn vị, ngành, lĩnh vực;
d) Nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện công tác kế toán phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế và yêu cầu quản lý của địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực;
đ) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng tài liệu, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế toán viên.
...
Như vậy, kế toán viên chính sẽ có một số nhiệm vụ như chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về kế toán; xét duyệt hệ thống kế toán và chế độ kế toán áp dụng cho đơn vị, ngành hoặc lĩnh vực kế toán nhà nước; nghiên cứu công tác kế toán;...và một số nhiệm vụ khác theo quy định nêu trên.
Kế toán viên chính có chức năng gì theo quy định hiện nay?
Chức năng của kế toán viên chính được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2022/TT-BTC như sau:
Kế toán viên chính (mã số 06.030)
1. Chức trách
Kế toán viên chính là công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao về kế toán tại các cơ quan, tổ chức từ cấp huyện trở lên, thực hiện chức năng quản lý về công tác kế toán, giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành và quản lý nghiệp vụ kế toán ở đơn vị hoặc tổ chức thực hiện công tác kế toán tại đơn vị.
...
Theo quy định vừa nêu thì kế toán viên chính thực hiện chức năng quản lý về công tác kế toán, giúp lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, điều hành và quản lý nghiệp vụ kế toán ở đơn vị hoặc tổ chức thực hiện công tác kế toán tại đơn vị.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.