Công chức cấp tỉnh chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ thì có bị tinh giản biên chế hay không?

Tôi có câu hỏi liên quan đến việc tinh giản biên chế với công chức cấp tỉnh cần được hỗ trợ. Cụ thể, cho tôi hỏi nếu cơ quan, đơn vị quản lý lấy lý do là tôi chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí việc làm mà tôi đang đảm nhiệm để thực hiện tinh giản biên chế đối với tôi thì có đúng không? Trường hợp này liệu tôi có bị tinh giản biên chế không? - Chị Lưu Hân (Cà Mau).

Công chức cấp tỉnh chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ thì có bị tinh giản biên chế hay không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP) và khoản 3 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP

Các trường hợp tinh giản biên chế
1. Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
b) Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
c) Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
...

Theo đó, nếu công chức cấp tỉnh chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm thì khi thuộc một trong hai trường sau đây mới thực hiện tinh giản biên chế:

- Không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức cấp tỉnh;

- Được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

Như vậy, trường hợp của bạn thì phải được bố trí vào vị trí khác phù hợp hoặc bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nếu không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ cho bạn hoặc bạn đã được bố trí việc làm khác nhưng tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý thì mới có thể thực hiện tinh giản biên chế.

Công chức cấp tỉnh

Tinh giản biên chế đối với công chức cấp tỉnh (Hình từ Internet)

Những trường hợp nào sẽ không thực hiện tinh giản biên chế?

Theo Điều 7 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế như sau:

Các trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế
1. Những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, nếu công chức cấp tỉnh thuộc đối tượng tinh giản biên nhưng đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền hay đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc đang trong thời gian xem xét kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ chưa thực hiện xem xét tinh giản biên chế.

Chính sách tinh giản biên chế áp dụng cho những ai?

Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng nghị định về chính sách tinh giản biên chế như sau:

Đối tượng áp dụng
1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã;
2. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật.
4. Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).
5. Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
6. Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội.

Theo đó, những đối tượng trên đây nếu là những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP thì sẽ xem xét thực hiện tinh giản biên chế.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
1,886 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào