Con đã thành niên thì sau khi cha mẹ ly hôn có bắt buộc phải sống cùng với một trong hai người không?

Con đã thành niên không chung sống với bố mẹ sau ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào? Cho em hỏi, bố mẹ em năm nay đã ngoài 40 tuổi, hiện tại hai người có những mâu thuẫn, bất hòa trong quan điểm sống, thường xuyên cự cãi nhau. Mẹ em đã làm đơn khởi kiện ra Tòa để yêu cầu ly hôn, mặc dù em đã cố hết sức can ngăn và khuyên bố mẹ nhưng cũng không thể cứu vãn được tình hình, mẹ em vẫn một mực muốn ly hôn. Vậy anh/chị cho em hỏi trong trường hợp này, sau khi bố mẹ em ly hôn thì em có bắt buộc phải ở cùng với một trong hai người hay không, năm nay em 19 tuổi.

Con đã thành niên sau khi cha mẹ ly hôn có bắt buộc phải sống cùng với một trong hai người không?

Theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng như sau:

"Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng
1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ."

Bên cạnh đó, theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."

Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định trên thì cha, mẹ chỉ có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Đối với trường hợp của bạn, bạn năm nay đã 19 tuổi, là người đã thành niên, nếu như không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì bố, mẹ bạn vẫn có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bạn; còn ngược lại nếu bạn có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình thì bố mẹ bạn sẽ không cần phải thực hiện nghĩa vụ này nữa.

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành con đã thành niên sau khi bố mẹ ly hôn không bắt buộc phải sống cùng với một trong hai người.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều này cũng quy định con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Vì vậy, đối với bản thân bạn, là người đã thành niên thì bạn cũng phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cả cha và mẹ cho dù họ đã ly hôn khi họ ốm đau, già yếu,... Đây là nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ.

ly hôn

Ly hôn (Hình từ Internet)

Con đã thành niên không chung sống với bố mẹ sau ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng như thế nào?

Căn cứ theo Điều 111 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ như sau:

"Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình."

Trong trường hợp sau khi ly hôn, bạn không sống chung với bố, mẹ bạn mà bố, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì bạn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố, mẹ của mình.

Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng được pháp luật quy định như thế nào?

Mức cấp dưỡng được quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

"Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

Tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về phương thức cấp dưỡng như sau:

- Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

- Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

10,137 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào