Có tính đóng bảo hiểm xã hội đối với khoản chi tiền lương thêm cho người lao động vì tiếp nhận thêm công việc cố định trong 4 tháng không?

Bên mình có người lao động phát sinh thêm công việc trong thời gian ngắn 4 tháng nên công ty có chi trả 1 khoản trợ cấp trách nhiệm 5tr/tháng trong vòng 4 tháng. Công ty mình thấy khoản này là trợ cấp trách nhiệm cho công việc phát sinh thêm trong vòng 4 tháng nên mức thu nhập này vẫn cần được đưa vào mức lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm của 4 tháng; tuy nhiên, người lao động cho rằng khoản này là khoản trả thêm trong thời gian 4 tháng thì sẽ không phải đưa vào mức lương làm căn cứ tính đóng bảo hiểm. Do đó, nhờ TVPL tư vấn hỗ trợ phương án thực hiện đúng. Đây là câu hỏi của chị T.P đến từ Vĩnh Long.

Có tính đóng bảo hiểm xã hội đối với khoản chi tiền lương thêm cho người lao động vì tiếp nhận thêm công việc cố định trong 4 tháng không?

Có tính đóng bảo hiểm xã hội đối với khoản chi tiền lương thêm cho người lao động vì tiếp nhận thêm công việc cố định trong 4 tháng không, thì căn cứ khoản 2 Điều 6 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định:

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
...
2. Tiền lương do đơn vị quyết định
...
2.2. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điểm 2.1 Khoản này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.
2.3. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo Khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.
...

Và căn cứ tiết c1, điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:

Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
...
5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định như sau:
...
c) Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên như sau:
c1) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;
...

Từ các quy định trên, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm tiền lương cơ bản, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Dựa theo nội dung vừa đề cập, xác định vấn đề của chị như sau:

- Trường hợp khoản hỗ trợ thêm này công ty và người lao động quy định cụ thể trong hợp đồng lao động, xác định mức hưởng và thời hạn chi trả cố định công ty phải thực hiện tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm cả khoản tiền hỗ trợ này.

- Trường hợp khoản hỗ trợ thêm công ty có quy định trong hợp đồng lao động, có quy định mức cụ thể nhưng ghi thành mục riêng, không ghi chung với các mục tiền lương, phụ cấp lương và hỗ trợ khác thì công ty không tính đóng bảo hiểm xã hội khi chi trả khoản hỗ trợ này.

- Trường hợp khoản hỗ trợ này công ty thực hiện chi trả, không ghi nhận trong hợp đồng lao động thì không tính đóng bảo hiểm xã hội đối với khoản hỗ trợ này.

Thực tế, còn tùy vào mong muốn của công ty và các bên xác định đóng hoặc không tính đóng bảo hiểm xã hội với khoản hỗ trợ này thì sẽ có các cách thức xử lý phù hợp.

bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)

Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được xác định như thế nào?

Theo khoản 3 Điều 6 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được hưởng những chế độ nào?

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được hưởng những chế độ được quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

- Ốm đau;

- Thai sản;

- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Hưu trí;

- Tử tuất.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

461 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào