Có sử dụng hóa đơn thương mại cho việc xuất nhập khẩu hay không? Xuất nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam có được hoàn thuế hay không?

Bên mình khi nhập nguyên vật liệu theo loại hình A12 đã nộp đầy đủ thuế nhập khẩu và VAT, sau đó hàng bị lỗi hỏng phải xuất trả nhà cung cấp nước ngoài loại hình B13. Theo như mình biết thì trường hợp này được hoàn thuế VAT. Nếu sử dụng hóa đơn thương mại thì có quy định gì và có mẫu hóa đơn thương mại không?

Hóa đơn thương mại có giống hóa đơn xuất khẩu hay không?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2022 quy định về hóa đơn như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được thể hiện theo hình thức hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Hóa đơn thương mại ( Commercial Invoice) là chứng từ xác nhận thanh toán giữa người bán và người mưa trong quá trình trao đổi hàng hóa. Hóa đơn thương mại là chứng từ để làm thủ tục xuất, nhập khẩu, là cơ sở để tính các loại phí.

Hóa đơn xuất khẩu là hóa đơn được bên bán phát hành khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu. Hình thức và nội dung của hóa đơn xuất khẩu theo thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật về thương mại.

Theo Điều 3 Nghị định 119/2018/NĐ-CP các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo quy định của luật kế toán."

Hóa đơn thương mại ( Commercial Invoice) là chứng từ xác nhận thanh toán giữa người bán và người mưa trong quá trình trao đổi hàng hóa. Hóa đơn thương mại là chứng từ để làm thủ tục xuất, nhập khẩu, là cơ sở để tính các loại phí.

Nhiều người hay nhầm giữa hóa đơn thương mại và hóa đơn xuất khẩu. Hóa đơn xuất khẩu dùng để làm chứng từ khai báo thuế, nộp thuế, còn hóa đơn thương mại là chứng từ thanh toán.

Hóa đơn thương mại

Có sử dụng hóa đơn thương mại cho việc xuất nhập khẩu hay không? (Hình từ Internet)

Có sử dụng hóa đơn thương mại cho việc xuất nhập khẩu hay không?

Tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2022 quy định như sau:

Loại hóa đơn
Hóa đơn quy định tại Nghị định này gồm các loại sau:
1. Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
a) Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
b) Hoạt động vận tải quốc tế;
c) Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
d) Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
2. Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
a) Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
- Hoạt động vận tải quốc tế;
- Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu;
- Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
b) Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.

Cùng với đó, điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2022 quy định như sau:

Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ
....
3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
....
c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu.

Theo đó, khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phải áp dụng hóa đơn điện tử với 2 loại cụ thể dựa trên phương pháp kê khai thuế như sau:

- Hóa đơn giá trị gia tăng: Áp dụng khi kê khai theo phương pháp khấu trừ.

- Hóa đơn bán hàng: Áp dụng khi kê khai theo phương pháp trực tiếp.

Trước đây, Công văn 11561/CT-TTHT năm 2014 sử dụng hóa đơn thương mại đối với dịch vụ xuất khẩu do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành:

"Căn cứ quy định trên, từ ngày 01/09/2014 khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài Công ty sử dụng hóa đơn thương mại không sử dụng hóa đơn xuất khẩu. Trường hợp Công ty còn tồn hóa đơn xuất khẩu nếu không có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Công ty thực hiện thủ tục hủy theo quy định tại Điều 29 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Hóa đơn thương mại do Công ty tự thiết kế theo thông lệ quốc tế nên Công ty không phải làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn và không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Khi kê khai thuế GTGT hàng tháng hoặc quý Công ty vẫn phải kê khai hóa đơn thương mại trên bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT."

Theo đó, hiện nay, xuất khẩu ra nước ngoài không dùng hóa đơn xuất khẩu hay hóa đơn GTGT, bán hàng mà thống nhất dùng hóa đơn thương mại. Mẫu hóa đơn do đơn vị tự thiết kế, không phải làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn và không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài có được hoàn thuế VAT hay không?

Theo khoản 7 Điều 1 Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi 2013 sửa đổi Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng:

“Điều 13. Các trường hợp hoàn thuế
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo; trường hợp lũy kế sau ít nhất mười hai tháng tính từ tháng đầu tiên hoặc ít nhất sau bốn quý tính từ quý đầu tiên phát sinh số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ mà vẫn còn số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hoá, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý.
3. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế giá trị gia tăng khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế giá trị gia tăng nộp thừa hoặc số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết.
4. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh.
5. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo được quy định như sau:
a) Chủ chương trình, dự án hoặc nhà thầu chính, tổ chức do phía nhà tài trợ nước ngoài chỉ định việc quản lý chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả cho hàng hoá, dịch vụ mua tại Việt Nam để phục vụ cho chương trình, dự án;
b) Tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ không hoàn lại, tiền viện trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho chương trình, dự án viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam thì được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả cho hàng hóa, dịch vụ đó.
6. Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã trả ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng hoặc trên chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng.
7. Cơ sở kinh doanh có quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Như vậy, trong trường hợp khi nhập khẩu hàng hóa phục vụ đầu tư mà đã nộp đủ thuế VAT mà nay trả ngược lại hàng hóa, tức là phát sinh việc xuất khẩu. Nên nếu số thuế phải hoàn trên 300 triệu thì sẽ được thực hiện việc hoàn thuế.

Bạn tham khảo thêm các quy định trên để biết thêm thông tin chi tiết.

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Hoàng Thanh Thanh Huyền Lưu bài viết
14,310 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào