Cơ sở tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên đại học phải đáp ứng điều kiện thế nào?
Cơ sở tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên đại học phải đáp ứng điều kiện thế nào?
Điều kiện đối với cơ sở tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên đại học (Hình từ Internet)
Căn cứ khoản 1 Điều 8 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT quy định như sau:
Đăng kí tổ chức bồi dưỡng
1. Cơ sở đăng kí tổ chức bồi dưỡng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 13 của Thông tư này.
Tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT quy định về điều kiện của cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
- Là đơn vị có ít nhất 10 năm kinh nghiệm đào tạo từ trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực được giao tổ chức bồi dưỡng;
- Có đủ giảng viên cơ hữu đúng chuyên ngành để giảng dạy các học phần trong chương trình bồi dưỡng.
Giảng viên tham gia giảng dạy phải có bằng tiến sĩ, có ít nhất 5 năm giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn của chương trình bồi dưỡng, có các công trình nghiên cứu về các nội dung bồi dưỡng được giao;
- Có chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng trên cơ sở chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và đã được thẩm định theo quy định;
- Có đủ tài liệu học tập, tài liệu tham khảo phục vụ cho giảng dạy và học tập;
- Có cơ sở vật chất thiết bị, kỹ thuật, cơ sở thực hành,…đáp ứng được công tác bồi dưỡng.
Việc đăng ký nhận nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên đại học thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT thì hồ sơ đăng ký nhận nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng gồm có:
- Tờ trình đăng ký nhận nhiệm vụ bồi dưỡng, trong đó cần nêu tóm tắt lý do và sự cần thiết bồi dưỡng tại cơ sở giáo dục đại học và năng lực đào tạo của cơ sở;
- Đề án bồi dưỡng bao gồm các nội dung:
+ Giới thiệu khái quát về cơ sở giáo dục đại học, nhiệm vụ được giao, một số kết quả nổi bật trong công tác đào tạo;
+ Lý do và sự cần thiết tổ chức bồi dưỡng tại cơ sở giáo dục đại học. Nhu cầu của người học, của trường đại học, trường cao đẳng;
+ Trình bày năng lực của cơ sở giáo dục đại học theo các quy định tại Quy chế này.
Tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT quy định về quy trình giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên đại học như sau:
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký bồi dưỡng theo quy định tại Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT.
Trường hợp cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ các điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ra quyết định giao nhiệm vụ bồi dưỡng.
Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa đáp ứng các điều kiện quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông báo kết quả thẩm định và nêu rõ lý do bằng văn bản.
Trách nhiệm của cơ sở bồi dưỡng trong đánh giá kết quả bồi dưỡng thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT thì cơ sở bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm như sau:
- Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng quy định tại Điều 5 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT, cơ sở bồi dưỡng tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và dự toán kinh phí cho các lớp bồi dưỡng trong năm.
- Quản lý quá trình học tập của học viên, đánh giá kết quả học tập và cấp bảng điểm học tập cho học viên.
- Quyết định danh sách học viên nhập học, công nhận kết quả học tập.
- Quản lý kinh phí bồi dưỡng, các nguồn lực khác.
- Báo cáo kết quả bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Và tại Điều 9 Thông tư 20/2013/TT-BGDĐT quy định về đánh giá kết quả bồi dưỡng như sau:
- Cuối khóa học, cơ sở tổ chức bồi dưỡng tổ chức kiểm tra viết, chấm điểm bài viết thu hoạch để làm cơ sở đánh giá kết quả và phân loại. Kết quả đánh giá từ đạt yêu cầu trở lên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học, môn học.
- Trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá các nội dung học tập, bồi dưỡng và theo đề nghị của đơn vị tổ chức bồi dưỡng, cơ sở giáo dục đại học được giao nhiệm vụ bồi dưỡng cấp chứng chỉ công nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo quy định.
- Chứng chỉ bồi dưỡng được sử dụng để đánh giá viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm hoặc được sử dụng làm điều kiện xét nâng hạng hoặc thi nâng hạng viên chức và các chế độ, chính sách khác có liên quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.