Cơ sở sản xuất xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Những hành vi nào bị nghiêm cấm để bảo vệ tài nguyên nước?
Theo quy định tại Điều 9 Luật Tài nguyên nước 2012 về hành vi bị nghiêm cấm như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
2. Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước.
3. Xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải.
4. Đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch.
5. Khai thác trái phép cát, sỏi trên sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa; khai thác khoáng sản, khoan, đào, xây dựng nhà cửa, vật kiến trúc, công trình và các hoạt động khác trong hành lang bảo vệ nguồn nước gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa.
6. Phá hoại công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
...
Theo đó, để bảo vệ tài nguyên nước thì pháp luật nghiêm cấm những hành vi được quy định tại Điều 9 nêu trên. Trong đó nghiêm cấm hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
Xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước (Hình từ Internet)
Cơ sở sản xuất xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Theo khoản 6, khoản 8 Điều 23 Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước như sau:
Vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước
...
6. Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.
...
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hành vi vi phạm gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng và số lượng nguồn nước.
Căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính như sau:
Áp dụng mức phạt tiền trong xử phạt hành chính
1. Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
...
Theo đó, cơ sở sản xuất xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 440.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.
Đồng thời cơ sở sản xuất vi phạm còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước đối với các hành vi vi phạm.
Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt cơ sở sản xuất xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước không?
Theo khoản 2 Điều 63 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm b khoản 29 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường như sau:
Thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành tài nguyên và môi trường
...
2. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này, cụ thể như sau:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
...
Như vậy, cơ sở sản xuất xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền cao nhất là 500.000.000 đồng nên Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường được quyền xử phạt cơ sở sản xuất này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.