Cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần phải đáp ứng các điều kiện chung như thế nào để được cấp Giấy phép hoạt động?
- Một người đã mở phòng khám có thể mở quầy thuốc được không?
- Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh chữa bệnh là gì?
- Cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần phải đáp ứng các điều kiện chung gì để được cấp Giấy phép hoạt động?
- Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc là gì?
Một người đã mở phòng khám có thể mở quầy thuốc được không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, cụ thể tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Luật Dược 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không có quy định về việc người đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa không được học ngành dược.
Do đó, nếu một người đã tốt nghiệp bác sĩ đa khoa (và đáp ứng các điều kiện cần thiết để tiến hành mở phòng khám theo quy định pháp luật), mà người này muốn học ngành dược thì hoàn toàn có thể đăng ký vào học tại các cơ sở đào tạo dược.
Bên cạnh đó, theo quy định pháp luật hiện hành, không có quy định việc hạn chế người đang mở phòng khám không được đứng tên mở quầy thuốc, nên việc một người đã mở phòng khám tư nhân cũng có thể được mở quầy thuốc. Tuy nhiên, để được phép hoạt động chúng ta phải tuân theo những điều kiện bắt buộc của pháp luật.
Cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần phải đáp ứng các điều kiện chung như thế nào để được cấp Giấy phép hoạt động? (Hình từ Internet)
Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh chữa bệnh là gì?
Theo quy định tại Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải đáp ứng là:
- Có quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh do Nhà nước thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Có giấy phép hoạt động do Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
Cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần phải đáp ứng các điều kiện chung gì để được cấp Giấy phép hoạt động?
Để được cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh chữa bệnh cần phải đáp ứng các điều kiện chung theo quy định tại Điều 43 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009:
Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
b) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
c) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
2. Trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết điều kiện cấp giấy phép hoạt động quy định tại Điều này đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo thẩm quyền quản lý.
Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc là gì?
Về điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc được quy định tại Điều 18 Luật Dược 2016 với thông tin như sau:
Điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc
1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc phải có văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 02 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc có thể đồng thời là người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc.
2. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, e hoặc g Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.
3. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của tủ thuốc trạm y tế xã phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, e, g hoặc k Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp trạm y tế xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà chưa có người đáp ứng một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, e, g hoặc k Khoản 1 Điều 13 của Luật này thì phải có văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm b hoặc Điểm h Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, c, e, g, i hoặc l Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 01 năm thực hành chuyên môn tại cơ sở dược hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 13 của Luật này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.