Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân là gì? Những nguồn thông tin nào được cập nhật vào cơ sở dữ liệu này?

Cho tôi hỏi cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân được hiểu là gì vậy? Những nguồn thông tin nào sẽ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân? Và thời điểm cập nhật là khi nào? - Anh Vinh Đức (Quy Nhơn).

Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân là gì?

Hiện nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân còn gồm có các dữ liệu về xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Và được gọi chung là Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 55/2022/NĐ-CP thì Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được hiểu là:

Tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định tại Nghị định 55/2022/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân

Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân (Hình từ Internet)

Những nguồn thông tin nào được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân?

Theo Điều 7 Nghị định 55/2022/NĐ-CP thì việc cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân dựa vào những nguồn thông tin sau đây:

(1) Việc tiếp công dân, xử lý đơn; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người kiến nghị, phản ánh; vụ việc khiếu nại có thông báo thụ lý khiếu nại, vụ việc tố cáo có quyết định thụ lý giải quyết tố cáo kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.

(2) Vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, vụ việc đã có kết luận nội dung tố cáo kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2018 đến trước ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.

(3) Vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài không thuộc trường hợp được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được cập nhật theo văn bản yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Về thời điểm nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân thì bạn có thể xem thêm quy định tại Điều 8 Nghị định 55/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Thời điểm nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu
1. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm bắt đầu cập nhật ngay sau khi có thông báo thụ lý khiếu nại, quyết định thụ lý tố cáo hoặc tiếp nhận xử lý kiến nghị, phản ánh và cập nhật trong quá trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh.
2. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm cập nhật trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực pháp luật.
3. Đối với trường hợp được quy định tại khoản 6 Điều 6 và khoán 3 Điều 7 của Nghị định này, cơ quan có trách nhiệm cập nhật trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong những trường hợp nào?

Căn cứ theo Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 thì khi thuộc một trong những trường hợp sau đây, người tiếp công dân sẽ được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân:

Những trường hợp được từ chối tiếp công dân
Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp sau đây:
1. Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
2. Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;
3. Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;
4. Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Theo Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-TTCP khi từ chối tiếp công dân thì người tiếp công dân cần phải lưu ý một số điều sau đây:

- Người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 thì phải giải thích cho công dân được biết lý do từ chối tiếp, đồng thời báo cáo người phụ trách tiếp công dân.

- Trường hợp từ chối tiếp công dân theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân 2013 thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị phụ trách tiếp công dân ra Thông báo từ chối tiếp công dân.

Mẫu Thông báo: Tải về

MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đinh Thị Ngọc Huyền Lưu bài viết
1,876 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào