Cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải lưu mẫu thức ăn đối với bữa ăn từ bao nhiêu suất ăn trở lên? Tiến hành lưu mẫu thức ăn thế nào?
Cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải lưu mẫu thức ăn đối với bữa ăn từ bao nhiêu suất ăn trở lên?
Căn cứ Điều 2 Quyết định 1246/QĐ-BYT năm 2017 giải thích lưu mẫu thức ăn như sau:
Giải thích từ ngữ
1. Kiểm thực ba bước là việc thực hiện kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống tại cơ sở.
2. Lưu mẫu thức ăn là việc lấy mẫu, bảo quản, ghi chép, lưu giữ tài liệu liên quan đối với thức ăn được chế biến hoặc được cung cấp để ăn uống tại cơ sở.
Theo đó, lưu mẫu thức ăn được hiểu là việc lấy mẫu, bảo quản, ghi chép, lưu giữ tài liệu liên quan đối với thức ăn được chế biến hoặc được cung cấp để ăn uống tại cơ sở.
Đồng thời tại Điều 1 Quyết định 1246/QĐ-BYT năm 2017 có quy định như sau:
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bao gồm: cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống (sau đây gọi tắt là cơ sở).
2. Lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với tất cả các món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên.
Như vậy, cơ sở chế biến suất ăn sẵn là một trong những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải lưu mẫu thức ăn. Cũng theo quy định này thì cơ sở chế biến suất ăn sẵn sẽ phải lưu mẫu thức ăn tất cả các món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên.
Cơ sở chế biến suất ăn sẵn phải lưu mẫu thức ăn đối với bữa ăn từ bao nhiêu suất ăn trở lên? (hình từ Internet)
Cơ sở chế biến suất ăn sẵn tiến hành lưu mẫu thức ăn thế nào?
Căn cứ Điều 8 Quyết định 1246/QĐ-BYT năm 2017 có quy định về việc bảo quản mẫu thức ăn lưu như sau:
Bảo quản mẫu thức ăn lưu
1. Mẫu thức ăn được bảo quản riêng biệt với các thực phẩm khác, nhiệt độ bảo quản mẫu thức ăn lưu từ 2°C đến 8°C.
2. Thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn. Khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý thì không được hủy mẫu lưu cho đến khi có thông báo khác.
3. Thời gian lấy và thời gian huỷ mẫu lưu theo Mẫu số 5 Phụ lục 2: Mẫu biểu lưu mẫu thức ăn và hủy mẫu thức ăn lưu.
Chiếu theo quy định này, việc bảo quản thức ăn lưu mẫu tại cơ sở chế biến suất ăn sẵn được thực hiện như sau:
- Mẫu thức ăn được bảo quản riêng biệt với các thực phẩm khác, nhiệt độ bảo quản mẫu thức ăn lưu từ 2°C đến 8°C.
- Thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn. Khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý thì không được hủy mẫu lưu cho đến khi có thông báo khác.
- Thời gian lấy và thời gian huỷ mẫu lưu theo Mẫu số 5 Phụ lục 2: Mẫu biểu lưu mẫu thức ăn và hủy mẫu thức ăn lưu.
*Tải Mẫu số 5 Phụ lục 2 tại đây: Tải về
Cơ sở chế biến suất ăn sẵn thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn bị phạt bao nhiêu?
Tại Điều 15 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP có quy định như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh;
b) Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến;
c) Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
d) Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
đ) Không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước;
b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn;
c) Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm;
...
Chiếu theo quy định này thì thương nhân kinh doanh cơ sở chế biến suất ăn sẵn thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Lưu ý mức xử lý hành chính này chỉ áp dụng cho thương nhân là cá nhân, đối với tổ chức mức phạt tiền sẽ nhân hai cho cùng hành vi (theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 115/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.