Cơ sở chế biến hạt điều cần được bố trí như thế nào? Cơ sở chế biến hạt điều không có sân phơi được tráng nhựa, bê tông thì có hợp chuẩn không?

Cho tôi hỏi tôi muốn mở một cơ sở chế biến hạt điều thì cần bố trí như thế nào mới hợp lý và đạt chuẩn? Tôi định đối với sân phơi của cơ sở sẽ không tráng nhựa hay bê tông mà sẽ để nguyên nền đất thì có được hay không? Yêu cầu về nhân sự của cơ sở như thế nào? - Câu hỏi của chi Huệ đến từ Bình Phước.

Cơ sở chế biến hạt điều cần được bố trí như thế nào?

Tại tiểu mục 3.1.1 và tiểu mục 3.1.2 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12461:2018 về Quy phạm thực hành vệ sinh trong chế biến hạt điều hướng dẫn bố trí cơ sở chế biến hạt điều như sau:

- Cơ sở chế biến hạt điều được bố trí ở khu vực riêng biệt, không bố trí trong khu vực sinh hoạt chung hoặc các khu vực có các hoạt động khác. Cơ sở chế biến hạt điều tránh bị ảnh hưởng từ các khu vực ô nhiễm bụi, chất độc hại, các nguồn gây ô nhiễm khác.

- Cơ sở cần có đủ nguồn cung cấp điện và nước.

- Cơ sở được xây dựng ở nơi không bị ứ nước, ngập lụt khi mưa.

- Vị trí cơ sở phải thuận tiện cho giao thông.

- Cơ sở cần có quy mô phù hợp với mục đích và công suất sử dụng, luôn được bảo dưỡng và duy trì trong tình trạng hoạt động tốt.

- Các khu vực trong nhà xưởng được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều. Giữa các khu vực phải ngăn cách riêng biệt. Phân luồng riêng nguyên liệu, vật liệu bao gói, thành phẩm và chất thải trong quá trình chế biến, hạn chế thấp nhất khả năng lây nhiễm chéo cho sản phẩm.

- Cơ sở phải có các khu vực riêng biệt như sau:

+ Khu vực 1 gồm: sân phơi, nhà kho, khu xử lý nhân, khu sấy nhân.

+ Khu vực 2 gồm: khu bóc vỏ lụa, khu phân loại, hun trùng, đóng gói.

+ Các khu vực phụ trợ khác như phòng kiểm tra chất lượng, khu vực điều hành, khu vực vệ sinh cá nhân, khu vực chứa dụng cụ, hóa chất tẩy rửa.

Cơ sở chế biến hạt điều không có sân phơi được tráng nhựa, bê tông thì có hợp chuẩn không? (Hình từ Internet)

Cơ sở chế biến hạt điều không có sân phơi được tráng nhựa, bê tông thì có hợp chuẩn không?

Về yêu cầu đối với sân phơi chị tham khảo tại tiểu mục 3.1.3 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12461:2018 quy đinh về thiết kế của cơ sở chế biến hạt điều như sau:

Thiết kế
Sân phơi có thể là sân bê tông xi măng, bê tông nhựa nóng hoặc sân đất nhưng phải có lót bạt, sân phải đủ nắng, thoát nước tốt, bằng phẳng dễ đảo trộn.
Kho phải đảm bảo thông thoáng, nguyên liệu phải được xếp trên giá, kệ và cách tường tối thiểu 0.5m.
Nhà xưởng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Sàn phải có bề mặt cứng, bền vững, làm bằng các vật liệu không thấm nước, không trơn, dễ làm vệ sinh và không đọng nước.
- Tường không ngấm nước, dễ làm vệ sinh, ngăn ngừa sự xâm nhập của động vật gây hại.
- Mái và trần phải kín, không thấm dột, hạn chế tích tụ và rơi vãi bụi bẩn.
- Có lưới chắn côn trùng ở cửa sổ, lỗ thông gió mở thông ra ngoài. Lưới chắn phải dễ dàng tháo lắp để làm vệ sinh.
Riêng khu bóc vỏ lụa, khu phân loại, hun trùng, đóng gói đặc biệt lưu ý cửa ra vào, ô cửa mở ra ngoài phải có:
- Màn chắn côn trùng làm bằng vật liệu không gỉ, dễ làm vệ sinh; hoặc
- Màn khí thổi hoặc cửa tự động.

Theo đó đối với sân phơi không bắt buộc phải là sân được tráng bê tông xi măng, bê tông nhựa mà có thể là sân đất nhưng phải được lót bạt, sân phải đủ nắng, thoát nước tốt, bằng phẳng dễ đảo trộn.

Tại cơ sở chế biến hạt điều yêu cầu về nhân sự như thế nào?

Về nhân sự của cơ sở chế biến hạt điều được quy định tại tiểu mục 3.4 Mục 3 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12461:2018 theo hai tiêu chí sức khỏe và thực hành vệ sinh cá nhân như sau:

Yêu cầu về con người
3.4.1 Yêu cầu về sức khỏe
Nhân viên phải có sức khỏe tốt và không mắc các bệnh truyền nhiễm. Tất cả các nhân viên làm việc trong khu vực chế biến phải được khám sức khỏe ít nhất một năm một lần. Hồ sơ khám sức khỏe phải được lưu giữ.
Có quy trình lấy thông tin về sức khỏe của khách tham quan khu vực sản xuất nhằm đảm bảo không có nguồn lây nhiễm từ khách tham quan.
3.4.2 Thực hành vệ sinh cá nhân
Nhân viên phải được kiểm tra định kỳ về thực hành vệ sinh tốt để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm sản phẩm.
Nhân viên phải mặc quần áo bảo hộ thích hợp với từng khu vực. Không đeo đồ trang sức khi làm việc. Cần duy trì vệ sinh cá nhân thường xuyên, rửa tay trước và sau khi làm việc, mang găng, khẩu trang, ủng trùm giày, mũ trùm đầu trong khi làm việc ở khu vực chế biến. Không được hút thuốc, khạc nhổ và nhai trong quá trình làm việc.
Nếu tay bị đứt thì phải được xử lý thích hợp và được quấn băng chống thấm nước thích hợp để không làm nhiễm bẩn thực phẩm.
Găng tay dùng trong xử lý thực phẩm phải được duy trì trong điều kiện vệ sinh sạch, được làm từ vật liệu không thấm nước, trừ khi việc sử dụng của chúng có thể không phù hợp hoặc không tương thích với công việc liên quan.
Đối với khách tham quan phải có trang phục bảo hộ riêng và thực hiện quy trình vệ sinh theo yêu cầu.
MỚI NHẤT
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

935 lượt xem
Tư vấn pháp luật mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào