Cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đặt tại địa điểm thế nào? Ai có quyền công bố cơ sở cai nghiện ma túy công lập?
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đặt tại địa điểm thế nào?
Địa điểm đặt cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 116/2021/NĐ-CP như sau:
Điều kiện cơ sở vật chất
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập (sau đây gọi tắt cơ sở) phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất sau:
1. Cơ sở phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, tiếp cận cơ sở y tế; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt; có tường bao, biển tên cơ sở.
2. Cơ sở vật chất
a) Diện tích đất tự nhiên cho 01 đối tượng: 80 m2/đối tượng ở khu vực thành thị, 100 m2/đối tượng ở khu vực nông thôn, 120 m2/đối tượng ở khu vực miền núi;
b) Diện tích phòng ở bình quân 06 m2/đối tượng; đối với đối tượng phải chăm sóc 24/24 giờ một ngày, diện tích phòng ở bình quân 08 m2/đối tượng.
3. Cơ cấu khối công trình của cơ sở cai nghiện gồm:
a) Khối hành chính, quản trị gồm: khu làm việc, hội trường, phòng ở của nhân viên;
b) Khối nhà ở của người cai nghiện: tổ chức các khu riêng biệt theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 35 Luật Phòng, chống ma túy;
c) Khối đơn vị chức năng gồm: y tế, giáo dục, trị liệu tâm lý, nhà thăm gặp thân nhân, khu vực lao động trị liệu, lao động sản xuất (nếu có);
d) Khu vực nhà ăn, bếp và kho;
đ) Sân chơi, tập thể thao phải có diện tích tối thiểu bằng 25% tổng diện tích sử dụng của cơ sở.
4. Các tiêu chuẩn chuyên môn khác:
a) Các công trình xây dựng, trang thiết bị phải bảo đảm cho người nghiện ma túy là người khuyết tật và người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tiếp cận và sử dụng thuận tiện, an toàn; đáp ứng các điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;
b) Cơ sở phải bảo đảm các tiêu chuẩn về y tế, vệ sinh, quần áo và dinh dưỡng đối với người cai nghiện; bảo đảm cho người cai nghiện được tiếp cận về văn hóa, thể dục, thể thao và giải trí phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng, tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm của đối tượng.
Theo đó, cơ sở cai nghiện ma túy công lập phải đặt tại địa điểm thuận tiện về tiếp cận giao thông, tiếp cận cơ sở y tế; có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt; có tường bao, biển tên cơ sở.
Cơ sở cai nghiện ma túy công lập (Hình từ Internet)
Ai có quyền công bố cơ sở cai nghiện ma túy công lập?
Người có quyền công bố cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quy định tại Điều 20 Nghị định 116/2021/NĐ-CP như sau:
Trình tự đăng ký, công bố đối với cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện ma túy công lập
1. Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở cai nghiện ma túy công lập gửi văn bản đề nghị công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến cung cấp dịch vụ.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc công bố theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
Theo quy định trên, người có quyền công bố cơ sở cai nghiện ma túy công lập là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập gồm những gì?
Tài liệu trong hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập được quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP như sau:
Đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên (sau đây gọi tắt là người nghiện ma túy) phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp, người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Thủ tục, hồ sơ đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi người nghiện ma túy tham gia điều trị hoặc chấm dứt điều trị, cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có trách nhiệm thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nghiện đó đăng ký để quản lý hoặc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.
3. Địa điểm cai nghiện tự nguyện:
a) Tại gia đình, cộng đồng;
b) Tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.
4. Hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện gồm:
a) 01 bản đăng ký cai nghiện tự nguyện theo Mẫu số 22 Phụ lục II Nghị định này;
b) 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền;
c) 01 bản phôtô một trong các loại giấy tờ tùy thân: căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) của người nghiện ma túy.
5. Trình tự thực hiện đăng ký cai nghiện tự nguyện:
a) Người nghiện ma túy, người đại diện hợp pháp của người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều này tại điểm tiếp nhận đăng ký cai nghiện của Ủy ban nhân dân cấp xã; xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân để đối chiếu.
b) Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu giấy tờ tùy thân và vào sổ đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện theo Mẫu số 23 Phụ lục II Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn người đăng ký hoàn thiện, bổ sung hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện.
Như vậy, hồ sơ đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập gồm những tài liệu sau:
+ 01 bản đăng ký cai nghiện tự nguyện theo Mẫu số 22 Phụ lục II Nghị định này.
+ 01 bản sao Phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền.
+ 01 bản phôtô một trong các loại giấy tờ tùy thân: căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy khai sinh (đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) của người nghiện ma túy.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.