Cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án, nếu người này không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện cơ quan này không?
- Cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án, nếu người này không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện cơ quan này không?
- Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản đấu giá nếu đáp ứng những điều kiện nào?
- Quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ như thế nào?
Cơ quan thi hành án dân sự bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án, nếu người này không đồng ý với kết quả bán đấu giá thì có quyền khởi kiện cơ quan này không?
Theo quy định tại khoản 13 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì chỉ có hai đối tượng, cụ thể là người mua được tài sản bán đấu giá và chấp hành viên, mới có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá.
Như vậy, Luật Thi hành án dân sự không quy định người phải thi hành có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Do vậy, người phải thi hành án nếu không đồng ý với kết quả bán đấu giá tài sản thì họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết loại tranh chấp này.
Vấn đề đặt ra là tại sao Luật lại quy định như vậy? Vấn đề này có thể giải thích như sau:
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2, 5, 6 và khoản 8 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản 2016 giải thích thì:
Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định tại Luật này, trừ trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này.
Người có tài sản đấu giá là cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản hoặc người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Người mua được tài sản đấu giá là người trúng đấu giá và ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản
Người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm hoặc bằng giá khởi điểm nếu không có người trả giá cao hơn theo phương thức trả giá lên; hoặc là người chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống.
Thực chất, đây là một giao dịch dân sự mà chủ thể tham gia là người có tài sản hoặc có quyền đưa tài sản ra đấu giá và người tham gia đấu giá và người trúng đấu giá theo quy định của pháp luật.
Chỉ giữa những người này mới phát sinh quyền, nghĩa vụ có khả năng tranh chấp với nhau có liên quan đến kết quả đấu giá và chỉ người này mới có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy kết quả đấu giá nếu họ cho rằng có vi phạm pháp luật trong quá trình đấu giá làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ.
Xem xét trường hợp cơ quan thi hành án bán đấu giá tài sản thì Cơ quan thi hành mà cụ thể là Chấp hành viên là bên có quyền đưa tài sản của người phải thi hành án ra bán đấu giá, mà không phải là người phải thi hành án có tài sản bị cơ quan thi hành án kê biên và đưa ra bán đấu giá để thi hành án, bên trúng đấu giá tài sản là người tham gia đấu giá trả giá cao nhất theo phương thức trả giá lên hoặc chấp nhận mức giá đã giảm theo phương thức đấu giá xuống.
Vì vậy, chỉ có Chấp hành viên và người trúng đấu giá đã ký hợp đồng mua tài sản đấu giá mới có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch bán đấu giá và có thể trở thành các bên tranh chấp với nhau về kết quả bán đấu giá tài sản.
Người phải thi hành án không phải là người đưa tài sản ra bán đấu giá, tức là không tham gia, không phải là một bên trong giao dịch này nên không có quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch và do đó họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Chỉ trong trường hợp duy nhất là họ tham gia và trúng đấu giá thì lúc này với tư cách là người mua được tài sản đấu giá thì họ mới có quyền khởi kiện.
Thứ hai, nếu người phải thi hành án có căn cứ cho rằng cơ quan thi hành án có hành vi, quyết định kê biên, định giá và bán đấu giá đối với tài sản của họ để thi hành án trái pháp luật thì họ có quyền khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự 2008.
Việc giải quyết khiếu nại của họ được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 1 Chương VI Luật Thi hành án dân sự 2008.
Đấu giá tài sản để thi hành án (Hình từ Internet)
Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản đấu giá nếu đáp ứng những điều kiện nào?
Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản đấu giá nếu đáp ứng những điều kiện được quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự 2008 nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá.
Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.
Quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ như thế nào?
Quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ theo quy định tại Điều 103 Luật Thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 như sau:
Bảo vệ quyền của người mua tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án
1. Người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án được bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản đó.
2. Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
3. Việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, người nhận tài sản để thi hành án thực hiện theo quy định tại các Điều 114, 115, 116 và 117 của Luật này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.