Cơ quan nào là đầu mối quản lý Công hàm của Ủy ban Dân tộc? Nguyên tắc hoạt động đối ngoại của Ủy ban Dân tộc là gì?
Cơ quan nào là đầu mối quản lý Công hàm của Ủy ban Dân tộc?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 61/QĐ-UBDT năm 2022 thì Vụ Hợp tác quốc tế là đầu mối quản lý Công hàm của Ủy ban Dân tộc.
Thêm vào đó, khi nhận được Công hàm của đối tác nước ngoài căn cứ vào nội dung, tính chất công việc Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì phối hợp với các Vụ, đơn vị trực thuộc Ủy ban đề xuất với Lãnh đạo phương án giải quyết.
Lưu ý số 1: trong trường hợp nội dung trong Công hàm thuộc thẩm quyền giải quyết của Lãnh đạo Ủy ban, Vụ, đơn vị được Lãnh đạo Ủy ban giao xử lý phải lấy ý kiến của Vụ Hợp tác quốc tế, trình lãnh đạo Ủy ban xem xét, quyết định.
Các Vụ, đơn vị chức năng trả lời Công hàm bằng hình thức công văn hành chính và sao gửi Vụ Hợp tác quốc tế để tổng hợp và theo dõi.
Trong trường hợp cần trả lời bằng hình thức Công hàm, cần chuyển nội dung cho Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo Lãnh đạo Ủy ban và làm đầu mối trả lời đối tác nước ngoài.
Lưu ý số 2: Công hàm phải được ghi đầy đủ ngày, tháng, năm, số Công hàm, chữ ký nháy của lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế và được đóng dấu treo của Ủy ban.
Cơ quan nào là đầu mối quản lý Công hàm của Ủy ban Dân tộc? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc hoạt động đối ngoại của Ủy ban Dân tộc được quy định như thế nào?
Nguyên tắc hoạt động đối ngoại của Ủy ban Dân tộc được quy định tại Điều 3 Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Ủy ban Dân tộc được ban hành kèm theo Quyết định 61/QĐ-UBDT năm 2022; cụ thể như sau:
- Giữ vững nguyên tắc độc lập, bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, đảm bảo bí mật Nhà nước, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại;
+ Chủ động, tích cực trong hội nhập quốc tế, nhất là với các nước láng giềng, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác có thế mạnh về lĩnh vực công tác dân tộc;
+ Đề cao hiệu quả, thực chất trong các hoạt động đối ngoại, nhất là đối với các chương trình, dự án;
+ Tập trung các nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu của công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong từng giai đoạn và từng năm;
+ Tiếp thu những tri thức và kinh nghiệm tốt của các nước một cách chọn lọc, phù hợp với truyền thống pháp luật và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
- Bảo đảm sự chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban đối với các hoạt động đối ngoại, phân cấp quản lý theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Lãnh đạo Ủy ban, Thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban, Giám đốc các Ban quản lý chương trình, dự án trong việc quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại của Ủy ban.
- Bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định, công khai, minh bạch các nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo công tác vận động, điều phối nguồn tài trợ của nước ngoài, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn hỗ trợ không hoàn lại từ các cơ quan, tổ chức nước ngoài dành cho Ủy ban theo đúng quy định của Nhà nước.
- Mọi hoạt động đối ngoại của Ủy ban phải được thực hiện theo Hiến pháp, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thông lệ quốc tế về quản lý hoạt động đối ngoại.
Có bao nhiêu đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 66/2022/NĐ-CP thì các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 11 là các đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước; cụ thể như sau:
- Vụ Kế hoạch - Tài chính.
- Vụ Tổ chức cán bộ.
- Vụ Pháp chế.
- Vụ Hợp tác quốc tế.
- Vụ Tổng hợp.
- Vụ Chính sách dân tộc.
- Vụ Tuyên truyền.
- Vụ Dân tộc thiểu số.
- Vụ Công tác dân tộc địa phương.
- Thanh tra.
- Văn phòng.
Như vậy, có tổng cộng 11 đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định.
Trong đó, vị trí và chức năng của Ủy ban Dân tộc được quy định tại Điều 1 Nghị định 66/2022/NĐ-CP như sau:
Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.