Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên? Thủ tục xử lý kỷ luật được thực hiện theo mấy bước?
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên?
Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên? (Hình từ internet)
Theo điểm b khoản 2 Điều 12 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định như sau:
Thẩm quyền xử lý kỷ luật của công đoàn cơ sở
1. Ban chấp hành công đoàn cơ sở xử lý kỷ luật đối với:
Tập thể ban chấp hành, tập thể ban thường vụ công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận.
2. Ban thường vụ công đoàn cơ sở xử lý kỷ luật đối với:
a) Cán bộ công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn, đoàn viên công đoàn.
b) Nguyên ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở; nguyên cán bộ công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn đã chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu.
Căn cứ quy định trên thì Ban thường vụ công đoàn cơ sở là cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên.
Xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên cần chuẩn bị những hồ sơ gì?
Theo Điều 15 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định như sau:
Hồ sơ xử lý kỷ luật
Bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của tập thể, cá nhân vi phạm, biên bản cuộc họp kiểm điểm, biên bản kiểm phiếu kỷ luật, báo cáo, tờ trình đề nghị xử lý kỷ luật và các tài liệu khác có liên quan. Hồ sơ được giao văn phòng Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp quyết định kỷ luật lưu giữ, nếu không có văn phòng Ủy ban kiểm tra thì công đoàn cùng cấp lưu giữ.
Theo đó, hồ sơ xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên gồm những nội dung sau đây:
- Bản tự kiểm điểm, trích ngang sơ yếu lý lịch của cán bộ công đoàn cơ sở thành viên vi phạm,
- Biên bản cuộc họp kiểm điểm,
- Biên bản kiểm phiếu kỷ luật,
- Báo cáo, tờ trình đề nghị xử lý kỷ luật và các tài liệu khác có liên quan.
Lưu ý: Hồ sơ được giao văn phòng Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp quyết định kỷ luật lưu giữ, nếu không có văn phòng Ủy ban kiểm tra thì công đoàn cùng cấp lưu giữ.
Thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên được thực hiện theo mấy bước?
Theo Điều 13 Quy định xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định 5130/QĐ-TLĐ năm 2022 quy định trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với cán bộ công đoàn cơ sở thành viên như sau:
Bước 1: Hướng dẫn kiểm điểm
- Tổ công đoàn, công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở thành viên hướng dẫn viết kiểm điểm.
- Đối tượng vi phạm viết kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật.
Bước 2: Tổ chức kiểm điểm và đề nghị xử lý kỷ luật
- Tổ công đoàn, công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở thành viên họp kiểm điểm, đối tượng vi phạm trình bày kiểm điểm, hội nghị góp ý kiến, kết luận, tiến hành bỏ phiếu đề nghị kỷ luật và báo cáo (kèm theo Tờ trình và hồ sơ) gửi ban thường vụ công đoàn cơ sở xem xét.
- Ủy ban kiểm tra giúp ban thường vụ CĐCS nghiên cứu, tham mưu, đề xuất (nơi không có Ủy ban kiểm tra thì đồng chí ủy viên ban chấp hành làm nhiệm vụ kiểm tra tham mưu, đề xuất).
Bước 3: Tiến hành xử lý kỷ luật và lưu hồ sơ
- Ban thường vụ CĐCS họp thảo luận xem xét và tiến hành bỏ phiếu kỷ luật
- Người có thẩm quyền thay mặt công đoàn cơ sở ký ban hành quyết định kỷ luật.
- Lưu hồ sơ kỷ luật tại văn phòng CĐCS.
Bước 4: Thi hành kỷ luật
- Tổ chức họp công bố quyết định kỷ luật tại công đoàn nơi có đối tượng vi phạm.
- Đối tượng vi phạm nếu không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định.
- Quyết định kỷ luật có hiệu lực sau khi được công bố và được xóa kỷ luật sau 1 năm, tính từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.