Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương? Thời gian quyết định dự toán ngân sách địa phương?
Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước 2015 có quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp
1. Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, quyết định:
a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu dầu thô, thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại, bảo đảm không thấp hơn dự toán thu ngân sách nhà nước được cấp trên giao;
b) Dự toán thu ngân sách địa phương, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%), thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;
c) Dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ;
d) Tổng mức vay của ngân sách địa phương, bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách địa phương và vay để trả nợ gốc của ngân sách địa phương.
...
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì Hội đồng nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương cấp tỉnh và nguồn bù đắp bội chi ngân sách địa phương, cụ thể:
- Quyết định dự toán thu ngân sách địa phương, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%), thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;
- Quyết định dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách.
Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ.
Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương? Thời gian quyết định dự toán ngân sách địa phương? (Hình từ Internet)
Thời gian quyết định dự toán ngân sách địa phương là khi nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Nghị định 163/2016/NĐ-CP như sau:
Thời gian hướng dẫn lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán ngân sách nhà nước
...
10. Sau khi Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 20 tháng 11 năm trước.
11. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau trước ngày 10 tháng 12. Hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách năm sau của cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách.
...
Như vậy, thời gian quyết định dự toán ngân sách địa phương như sau:
- Trước ngày 10/12: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau.
- Chậm nhất 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách: Hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách năm sau của cấp mình.
Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương bao gồm những gì?
Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương được quy định tại Điều 16 Nghị định 163/2016/NĐ-CP như sau:
(1) Chi đầu tư phát triển:
- Đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án do địa phương quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều này;
- Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật;
- Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.
(2) Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trong các lĩnh vực:
- Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;
- Sự nghiệp khoa học và công nghệ;
- Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phần giao cho địa phương quản lý;
- Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;
- Sự nghiệp văn hóa thông tin;
- Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;
- Sự nghiệp thể dục thể thao;
- Sự nghiệp bảo vệ môi trường;
- Các hoạt động kinh tế: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; giao thông; tài nguyên; quy hoạch; thương mại, du lịch; hoạt động kiến thiết thị chính; các hoạt động kinh tế khác;
- Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam ở địa phương;
- Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;
- Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.
(3) Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do chính quyền cấp tỉnh vay.
(4) Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương.
(5) Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương.
(6) Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.