Cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp? Hoạt động chuyên môn bao lâu để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp?
Hoạt động chuyên môn bao lâu để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp?
Hoạt động chuyên môn bao lâu để được cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp? (Hình từ Internet)
Theo khoản 2 Mục I Thông tư 01/2008/TT-BKHCN (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 04/2012/TT-BKHCN) quy định các điều kiện để cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (sau đây gọi là “Thẻ giám định viên”) quy định tại khoản 3 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) như sau:
(1) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
(2) Thường trú tại Việt Nam;
Điều kiện “Thường trú tại Việt Nam” được hiểu là có nơi sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại Việt Nam và đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về nơi cư trú.
(3) Có phẩm chất đạo đức tốt;
Điều kiện “Có phẩm chất đạo đức tốt” được hiểu là không bị xử lý vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp hoặc về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không thuộc diện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
(4) Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định;
Điều kiện “Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên” được hiểu là có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học các ngành kỹ thuật, khoa học vật lý, hóa học hoặc sinh học đối với chuyên ngành giám định sáng chế và thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; có Bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học ngành bất kỳ đối với các chuyên ngành giám định khác.
(5) Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
Điều kiện “Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đề nghị cấp Thẻ giám định viên từ 05 năm trở lên” được hiểu là đã trực tiếp làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, thanh tra, kiểm tra, pháp chế, tư vấn pháp luật về sở hữu công nghiệp, nghiên cứu khoa học có chức danh nghiên cứu viên, giảng dạy về sở hữu công nghiệp có chức danh giảng viên từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã trực tiếp làm công tác giải thích, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật, xây dựng quy chế, trực tiếp thực hiện hoặc xét duyệt kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế (gồm cả giải pháp hữu ích), hoặc đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý (gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa) tại các cơ quan sở hữu công nghiệp quốc gia hoặc quốc tế từ 05 năm trở lên, hoặc những người đã hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp từ 05 năm trở lên.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, một trong những điều kiện để cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp nếu đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ 05 năm trở lên.
Cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp?
Theo khoản 1 Mục III Thông tư 01/2008/TT-BKHCN quy định thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp như sau:
THẨM QUYỀN, THỦ TỤC CẤP, THU HỒI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN
1. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, lập và công bố Danh sách giám định viên sở hữu công nghiệp theo thủ tục quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Mục III của Thông tư này.
Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan tiếp nhận và xem xét hồ sơ yêu cầu cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Mục III của Thông tư này.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp là Cục Sở hữu trí tuệ, còn đối với cơ quan thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp thuộc Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Vi phạm quy định về Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị xử lý thế nào?
Căn cứ theo Điều 8 Nghị định 99/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP) quy định xử lý hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định về sở hữu công nghiệp như sau:
Hành vi vi phạm quy định trong hoạt động giám định sở hữu công nghiệp
…
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp khi không đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật;
b) Tiết lộ bí mật thông tin biết được khi tiến hành giám định mà không được phép của các bên liên quan;
c) Không lập hồ sơ giám định, không thực hiện việc bảo quản các hiện vật, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định;
d) Sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của mình để hành nghề giám định.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi;
b) Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật;
c) Tự ý sửa chữa, tẩy xóa hoặc có hành vi khác làm sai lệch văn bản giám định;
d) Cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp, yêu cầu cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp, yêu cầu ghi nhận tổ chức giám định sở hữu công nghiệp;
đ) Thực hiện giám định trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định pháp luật
…
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng thẻ giám định viên; giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hoạt động giám định, văn bản giám định sở hữu công nghiệp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, tài liệu đó đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, điểm c khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này.
Như vậy, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp bị xử lý vi phạm hành chính đối với một trong các hình thức sau:
(1) Hình thức phạt tiền:
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung Thẻ giám định viên.
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của người khác hoặc cho người khác sử dụng Thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp của mình để hành nghề giám định.
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin không trung thực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định sở hữu công nghiệp, yêu cầu cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp;
(2) Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại Thẻ giám định viên bị sửa chữa, làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp giấy tờ, tài liệu đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.