Có phải tất cả Đại học đều có thể trở thành Đại học Quốc gia không? Nếu không thì pháp luật đặt ra quy định như thế nào về xét công nhận một Đại học là Đại học Quốc gia?
Có phải tất cả Đại học đều có thể trở thành Đại học Quốc gia không?
Theo Điều 2 Nghị định 186/2013/NĐ-CP quy định về Đại học quốc gia:
"Điều 2. Vị trí và chức năng
1. Đại học quốc gia là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm tổ hợp các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học thành viên thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tổ chức theo hai cấp để đào tạo các trình độ của giáo dục đại học; là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
2. Đại học quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy và tài khoản riêng; là đầu mối được giao các chỉ tiêu về ngân sách và kế hoạch.
3. Đại học quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục và đào tạo, của Bộ Khoa học và Công nghệ về khoa học và công nghệ, của các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Đại học quốc gia đặt trụ sở trong lĩnh vực được phân công theo quy định của Chính phủ và phù hợp với pháp luật."
Như vậy, Đại học quốc gia là do Nhà nước thành lập , giao cho các Bộ quản lý. Việc 1 trường đại học nào đó được công nhận là đại học quốc gia thì đó là do nhà nước sáp nhập vào hệ thống đại học quốc gia chứ không phải là trường đại học nào cũng trở thành đại học quốc gia được.
Có phải tất cả Đại học đều có thể trở thành Đại học Quốc gia không?
Nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học quốc gia là gì?
Theo Điều 3 Nghị định 186/2013/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Đại học quốc gia như sau:
- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Đại học quốc gia.
- Tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nhân tài khoa học; chuyển giao tri thức và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
- Quản lý, điều hành, sử dụng và chia sẻ các nguồn lực, cơ sở vật chất dùng chung trong Đại học quốc gia, bảo đảm tính hữu cơ, đồng bộ và hiệu quả; huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng Đại học quốc gia thành cơ sở giáo dục đại học từng bước đạt chuẩn quốc tế, khu vực.
- Nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học nhằm góp phần xây dựng các định hướng, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đề xuất và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm quốc gia theo quy định.
- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan theo quy định; chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Đại học quốc gia đặt trụ sở theo quy định.
- Được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên và có cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định.
- Được thí điểm mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, ngoài danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo đã được quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội và thực hiện trên cơ sở có đủ các điều kiện theo quy định; báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi, kiểm tra.
- Được phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tổ chức tại Đại học quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Được làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi cần thiết, Giám đốc Đại học quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến hoạt động và phát triển của Đại học quốc gia.
- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đại học quốc gia là gì và bao gồm những thành viên nào?
Theo Điều 5 Nghị định 186/2013/NĐ-CP quy định về Hội đồng Đại học quốc gia:
Thứ nhất, nhiệm vụ và quyền hạn Hội đồng Đại học quốc gia
(1) Phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của Đại học quốc gia;
(2) Quyết nghị về phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học của Đại học quốc gia;
(3) Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng phát triển của Đại học quốc gia;
(4) Quyết nghị về việc thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức và thông qua đề án thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức của Đại học quốc gia theo quy định của Luật giáo dục đại học, Luật khoa học và công nghệ;
(5) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Đại học quốc gia, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của Đại học quốc gia.
Thứ hai. thành viên Hội đồng Đại học quốc gia
(1) Giám đốc, các Phó Giám đốc; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Đại học quốc gia; Hiệu trưởng các trường đại học thành viên; Viện trưởng các viện nghiên cứu khoa học thành viên;
(2) Đại diện cơ quan quản lý nhà nước; một số thành viên hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh.
Nhiệm kỳ của Hội đồng Đại học quốc gia trong bao lâu?
Cũng theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 186/2013/NĐ-CP quy định về nhiệm kỳ của Hội Đồng Đại học quốc gia như sau:
"3. Nhiệm kỳ của Hội đồng Đại học quốc gia là 05 năm và theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học quốc gia. Hội đồng Đại học quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số."
Như vậy nhiệm kỳ của Hội đồng Đại học quốc gia là 05 năm và theo nhiệm kỳ của Giám đốc Đại học quốc gia.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.