Có phải chi phí dự phòng sẽ bằng không nếu hợp đồng xây dựng nhà ở thuộc hợp đồng ngắn hạn? Hồ sơ hợp đồng xây dựng nhà ở bao gồm những loại giấy tờ nào?
Hồ sơ hợp đồng xây dựng nhà ở bao gồm những loại giấy tờ nào?
Căn cứ Điều 142 Luật Xây dựng 2014 quy định về hồ sơ hợp đồng xây dựng nhà ở như sau:
"Điều 142. Hồ sơ hợp đồng xây dựng
1. Hồ sơ hợp đồng xây dựng gồm hợp đồng có nội dung theo quy định tại Điều 141 của Luật này và các tài liệu kèm theo hợp đồng.
2. Tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng gồm một số hoặc toàn bộ các tài liệu sau:
a) Văn bản thông báo trúng thầu hoặc chỉ định thầu;
b) Điều kiện cụ thể của hợp đồng hoặc Điều khoản tham chiếu đối với hợp đồng tư vấn xây dựng;
c) Điều kiện chung của hợp đồng;
d) Hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu của bên giao thầu;
đ) Các bản vẽ thiết kế và các chỉ dẫn kỹ thuật;
e) Hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ đề xuất của bên nhận thầu;
g) Biên bản đàm phán hợp đồng, văn bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng;
h) Các phụ lục của hợp đồng;
i) Các tài liệu khác có liên quan.
3. Thứ tự ưu tiên áp dụng các tài liệu kèm theo hợp đồng xây dựng do các bên tham gia hợp đồng thỏa thuận. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận thì áp dụng theo thứ tự quy định tại khoản 2 điều này."
Theo đó, đối với hợp đồng xây dựng nhà ở hồ sơ bao gồm hợp đồng xây dựng nhà ở được lập theo quy định của pháp luật; văn bản thông báo trúng thầu hoặc chỉ định thầu; điều kiện cụ thể của hợp đồng;...và các loại giấy tờ khác theo quy định nêu trên.
Có phải chi phí dự phòng sẽ bằng không nếu hợp đồng xây dựng nhà ở thuộc hợp đồng ngắn hạn? Hồ sơ hợp đồng xây dựng nhà ở bao gồm những loại giấy tờ nào? (Hình từ Internet)
Chi phí dự phòng trong cho các tình huống phát sinh trong quá trình xây dựng nhà ở bao gồm những khoản dự phòng nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 10/2021/NĐ-CP quy định về xác định dự toán xây dựng công trình như sau:
"Điều 12. Xác định dự toán xây dựng công trình
...
7. Chi phí dự phòng gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều này. Riêng tỷ lệ phần trăm (%) đối với chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian xây dựng công trình theo kế hoạch thực hiện dự án, chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng và có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế."
Ngoài ra, tại Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD quy định về dự toán xây dựng công trình nh sau:
"Điều 4. Dự toán xây dựng công trình
...
7. Chi phí dự phòng trong dự toán xây dựng công trình được xác định theo quy định tại khoản 7 Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.
b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian, tiến độ dự kiến thực hiện công trình (tính bằng quý, năm) và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.
..."
Theo đó, chi phí dự phòng trong xây dựng công trình nhà ở bao gồm chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá.
Có phải chi phí dự phòng sẽ bằng không nếu hợp đồng xây dựng nhà ở thuộc hợp đồng ngắn hạn?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT quy định về phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:
"Điều 5. Phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu
Nội dung phần công việc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm nội dung công việc và giá trị tương ứng hình thành các gói thầu, trong đó từng gói thầu bao gồm các nội dung quy định tại Điều 35 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13, cụ thể như sau:
...
2. Giá gói thầu:
Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án. Trường hợp dự toán đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì căn cứ dự toán để lập giá gói thầu. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng (chi phí dự phòng trượt giá, chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và chi phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có)), phí, lệ phí và thuế. Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
- Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư;
- Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt thì nêu rõ giá trị ước tính của từng phần.
..."
Theo đó, đối với các gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn, không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không.
Theo thông tin thì hợp đồng của anh có thời gian 12 tháng nếu xác định là hợp đồng ngắn hạn thì không phù hợp. Trong thời gian 12 tháng thì có thể sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí khác
Đối với trường hợp của anh, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm xác định gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng ngắn hạn hay không và có phát sinh rủi ro, trượt giá theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 10/2015/TT-BKHĐT nêu trên hay không.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.